Tình hữu hảo hơn 400 năm, Đô thị cổ Hội An từ khi mới hình thành (thế kỷ XVI), đã có rất nhiều thương nhân các nước, đặc biệt là Nhật Bản đến Hội An buôn bán, sinh sống và xây dựng nhiều công trình văn hóa, kiến trúc độc đáo, trong đó nổi bật nhất là cầu Lai Viễn (Chùa Cầu)-cây cầu cổ duy nhất còn lại ở Hội An. Đây chính là một biểu tượng đẹp của sự giao thoa văn hóa và mối quan hệ gắn bó lâu dài giữa hai đất nước. Có thể xác định, lịch sử giao lưu văn hóa Hội An và Nhật Bản đã diễn ra khá lâu. Vào cuối thế kỷ XVI, đây là thời kỳ các chúa Nguyễn thực thi chính sách mở cửa ở Đàng Trong. Trong khi đó, chính quyền Nhật Bản cũng cấp phép Châu Ấn cho các thuyền buôn ra biển. Tại Hội An hình thành một khu vực cư trú của người Nhật với tên gọi “Nhật Bổn phố” hoặc “Nhật Bổn dinh”. Việc duy trì tổ chức chương trình Giao lưu văn hóa Hội An -Nhật Bản hàng năm cũng là một minh chứng cho mối quan hệ không ngừng được củng cố và phát triển mạnh mẽ trên tất cả các lĩnh vực giữa Việt Nam và Nhật Bản.
Theo ông Võ Phùng-Giám đốc trung tâm VH-TT TP Hội An, mối lương duyên của Hội An và Nhật Bản còn thể hiện ở việc nhiều thương nhân Nhật tại Hội An đã lấy vợ Việt và nhiều thế hệ con cháu Việt Nam đã sinh sống ở Nhật. Như vậy, cách đây hơn 400 năm, dưới những mái nhà Nhật ở phố cổ Hội An đã diễn ra sự tiếp xúc, ảnh hưởng qua lại giữa hai lối sống, hai phong cách ứng xử Việt Nam – Nhật Bản.