Osechi
Món ăn này được các bà nội trợ Nhật Bản đặc biệt chuẩn bị từ những ngày trước Tết. Trong năm mới, người Nhật hạn chế việc sử dụng củi lửa. Osechi sẽ được chuẩn bị với số lượng vừa đủ để mọi người có thể dùng trong ba ngày đầu năm. Vì thế, vào những ngày này, các bà nội trợ sẽ không phải bận rộn với công việc bếp núc.
Có lịch sử hình thành từ thời kỳ Heian (794-1185), ban đầu, Osechi được người Nhật sử dụng nhiều trong năm mới với mong muốn sẽ có một vụ mùa bội thu. Theo nguyên gốc, từ “osechi” được đọc là “o-sechi”, có nghĩa là một mùa hoặc một dịp đặc biệt. Trong dịp này, người Nhật Bản sẽ chỉ nấu những món ăn dinh dưỡng cho các thành viên trong gia đình. Ngày xưa, Osechi chỉ có nimono, rau luộc trong nước tương, đường hoặc rượu mirin. Qua thời gian, người Nhật đã bổ sung thêm nhiều nguyên liệu, làm cho món ăn đặc biệt này trở nên phong phú hấp dẫn hơn.
Osechi đươc làm theo nhu cầu của từng người và mang nhiều ý nghĩa khác nhau. Ví dụ, Kazunoko, món trứng cá trích, mang ý nghĩa ban phước lành cho trẻ em bởi loài cá này thường đẻ nhiều trứng và có khả năng sinh sôi nảy nở tốt. Kobumaki, món cá trích được bọc trong tảo bẹ, mang ý nghĩa may mắn bởi tảo bẹ đọc là “konbu”, nghe giống “yorokobu”, mang ý nghĩa vui mừng. Bên cạnh đó, tôm tượng trưng cho sự trường thọ, củ sen được xem là một loại rau may mắn vì có nhiều lỗ, dễ dàng nhìn xuyên đến tương lai.
Dù trải qua nghìn năm lịch sử, Osechi vẫn giữ nguyên cách bày trí đặc trưng vốn có. Chiếc hộp gỗ sắp xếp Osechi được gọi là Jubako (hộp có khoảng 3-5 tầng). Thức ăn trong hộp sẽ được sắp xếp theo quy tắc: Tầng đầu tiên gồm các món hầm, luộc và cá khai vị; tầng thứ hai gồm các món ăn nhẹ hoặc món có vị chua và tầng cuối cùng là các món ăn chính, món hầm nước hoặc kho.
Không chỉ đem đến sự may mắn cho năm mới, Osechi còn là món ăn thể hiện được linh hồn và cốt cách người Nhật Bản. Một hộp đồ ăn có đủ chua, cay, mặn, ngọt, hòa quyện những nguyên liệu nhiều màu sắc, làm nổi bật đặc trưng của từng vùng miền trên khắp đất nước. Người Nhật không chỉ có tính thẩm mỹ cao, mà còn tinh tế trong từng công đoạn chế biến món ăn.
Kagami mochi
Được làm từ gạo thu hoạch vào mùa thu trong năm, Kagami mocha là món ăn người Nhật chọn cho ngày đầu năm với mong muốn có một vụ mùa bội thu, cuộc sống sung túc. Nguồn gốc của cái tên Kagami mocha xuất phát từ việc người Nhật đặt hai chiếc bánh trắng mềm chồng lên nhau, trên đầu đặt một quả quýt nhỏ, trông như một chiếc gương đồng kiểu cũ. Bên cạnh đó, chữ “Kagami” thực chất là “kagamiru”, có nghĩa là “phản chiếu”. Vào ngày Tết, mọi người sẽ cùng nhau nhìn lại một năm qua mình đã làm và chưa làm được gì.
Theo quan niệm của người Nhật, hình tròn là biểu tượng cho sự viên mãn, đủ đầy. Vì thế, Kagami mochi được bày trí bằng cách đặt hai chiếc bánh tròn xếp lên nhau, tượng trưng niềm vui chồng chất, may mắn nối tiếp. Không chỉ thế, món bánh này còn thể hiện tấm lòng thành của người dân Nhật Bản gửi đến các đấng thần linh, những người đã ban cho họ một cuộc sống sung túc, bình an.
Thông thường, người Nhật Bản sẽ bắt đầu trang trí Kagami mochi vào ngày 28/12. Sau đó, chiếc bánh đặc biệt này sẽ được trưng bày trong suốt dịp Tết, đến ngày 11/1 (Kagami biraki), mọi người sẽ cùng nhau ăn bánh như cách để chia sẻ may mắn và niềm vui trong năm mới.
Toshikoshi Soba
Loại mì đặc biệt ngày còn được gọi bằng một cái tên khác là mì trường thọ, chỉ được dùng vào một lần duy vào dịp giao thừa hàng năm. Khoảng 800 năm trước, ở thời Kamaruka, một ngôi chùa đã tặng mì soba cho người nghèo vào dịp năm mới. Từ đó, ăn Toshikoshi Soba vào dịp giao thừa đã trở thành truyền thống của người Nhật Bản, với ước muốn trường thọ, ấm no trong năm mới. Ảnh: Matcha.
Những loại topping có trong mì soba cũng có những ý nghĩa khác nhau. Hình dáng con tôm cong cong tượng trưng cho người cao tuổi, với mong muốn sống trường thọ, khỏe mạnh. Cá trích có nhiều trứng, mang hy vọng về việc sinh con đẻ cái, con cái khỏe mạnh. Đậu phụ rán, món ăn mang lại vận may về tiền bạc. Chả cá luộc có hình dạng như mặt trời mọc trên đường chân trời, mang đến điềm tốt cho năm mới.