Wagashi có tên Tiếng Hán là “Hòa quả Tử”, tức vẻ đẹp của tự nhiên. Do đó mỗi chiếc wagashi đều được ví như một tiểu vũ trụ tổng hòa những yếu tố tươi đẹp trong đất trời: Bột bánh thường được nhuộm màu theo các mùa trong năm, hình dạng bánh đa dạng tương ứng với các hình ảnh thiên nhiên (hoa anh đào, hoa mơ, lá phong, bông tuyết…) và đặc biệt là nhân bánh từ đậu đỏ tượng trưng cho con người đứng ở trung tâm. Với ý nghĩa triết học phương Đông sâu sắc ẩn trong từng món ăn nhỏ bé, wagashi trở thành một nghệ thuật ẩm thực đặc trưng và đáng tự hào của người Nhật.
Bánh ngọt Wagashi được chia làm 3 nhóm chính, việc phân loại dựa trên độ ẩm của bánh hoặc phương pháp làm bánh.
Độ ẩm của bánh là một yếu tố rất quan trọng quyết định “hạn sử dụng” của bánh.
Namagashi: là loại bánh tươi, có độ ẩm trên 30%
Han namagash: loại bánh có độ ẩm 10-30 %
Higashi: loại bánh khô có độ ẩm dưới 10 %
Nếu phân chia theo phương pháp làm bánh thì ví dụ wagashi có những loại sau:
Mushi mono: bánh hấp
Yaki mono: bánh nướng
Nagashi mono: bánh dạng thạch
Neri mono: bánh nhào nặn bằng tay
Uchi mono: bánh nặn từ khuôn
Để thấy hết sự đặc sắc của wagashi, chúng ta phải thưởng thức bằng tất cả năm giác quan: nhìn bằng mắt, ngửi bằng mũi, “nghe bằng tai”, chạm bằng tay, rồi mới đến nếm bằng miệng.
Tại sao nói thưởng thức wagashi có thể nghe bằng tai, đó là bởi vì chiếc bánh có thể được đặt tên theo một biểu tượng, một hiện tượng thiên nhiên đẹp của mỗi mùa, hoặc được đặt tên theo ca từ trong thơ, nhạc.
Khi nghe những cái tên đầy chất thơ đó, người thưởng thức bánh sẽ có thể dùng trí tưởng tượng của mình để vẽ nên những cảnh thiên nhiên đẹp đẽ thơ mộng.
Vị của wagashi cũng không được quá ngọt hoặc quá nhạt, mà phải là một sự cân bằng, hài hoà. Đậu đỏ (azuki beans) là một trong những nguyên liệu chính của những chiếc bánh wagashi, ngoài ra có bột mì, bột gạo, vừng, khoai môn, đường, bột thạch (kanten).
Vì thế wagashi không những ngon mà còn là loại bánh tốt cho sức khoẻ.