Tết thiếu nhi Nhật Bản 5/5 (Kodomo no hi)

Nếu ở Việt Nam có ngày Quốc tế thiếu nhi 1/6 thì ở Nhật Bản, trẻ em cũng có một ngày lễ riêng, khi mà mọi nhà bắt đầu treo cờ cá chép bay phấp phới trong gió. Đó là ngày quốc lễ 5/5 – Ngày tết thiếu nhi (Kodomo no hi) là ngày cầu chúc cho tất cả trẻ em luôn được khỏe mạnh và hạnh phúc.

Tết thiếu nhi ở Nhật Bản được gọi là Kodomo no hi, diễn ra vào ngày 5/5 hàng năm, là một trong những ngày Quốc lễ của Nhật và là một phần trong Tuần lễ vàng. Gọi là Tuần lễ vàng vì vào thời gian này ở Nhật có nhiều ngày lễ như Kỷ niệm Sinh nhật Nhật Hoàng (Showa no hi) 29/4, Kỷ niệm ngày thành lập Hiến Pháp (Kenpou Kinenbi) 3/5, Ngày Môi trường (Midori no hi) 4/5, và Ngày Tết thiếu nhi (Kodomo no hi) 5/5. Thời gian nghỉ của Tuần lễ vàng kéo dài từ 7 tới 10 ngày thực sự đã trở thành thời gian quý báu quây quần bên gia đình, cùng vui chơi bên lũ trẻ của người dân Nhật Bản trong cuộc sống hối hả ngày nay.

– Trẻ em Nhật vui chơi ngày Tết thiếu nhi

Nguồn gốc, xuất xứ

Ngày này trước kia được gọi là Tết Đoan Ngọ (tiếng Nhật là Tango no sekku), diễn ra vào ngày 5/5 Âm lịch. Sau khi Nhật Bản chuyển sang sử dụng Dương lịch, ngày này cũng được đổi sang ngày 5/5 Dương lịch. Tuy nhiên Tết Đoan Ngọ – 5/5 Âm lịch hiện nay vẫn là ngày lễ truyền thống ở các nước, khu vực như Trung Quốc, Đài Loan, Hong Kong, Macau, Hàn Quốc và Việt Nam (dân gian ta còn gọi là Tết giết sâu bọ).Lúc trước ngày này cũng được xem là Ngày của các bé trai, trong khi Ngày của các bé gái (Hinamatsuri) được tổ chức vào ngày 3 tháng 3. Tuy nhiên ngày này đã trở thành lễ hội cho tất cả trẻ em trên toàn nước Nhật và được chính phủ Nhật công nhận là Quốc lễ vào năm 1948, đổi tên thành ngày Tết thiếu nhi (Kodomo no hi) để cầu chúc hạnh phúc cho tất cả trẻ em và thể hiện lòng biết ơn đến những người mẹ.

Biểu tượng

Ngày Tết thiếu nhi 5/5 gắn liền với hình ảnh cờ cá chép Koinobori đầy màu sắc bằng vải (trong tiếng Nhật, Koi nghĩa là cá chép, Nobori nghĩa là lá cờ, biểu ngữ) dài hơn 3m được treo trên các cột cao trước ban công hoặc ngoài sân nhà. 

Nguồn gốc những lá cờ cá chép này xuất phát từ một truyền thuyết cổ xưa của Trung Quốc khi loài cá chép đã bơi vượt qua dòng sông Hoàng Hà hung dữ để hóa rồng. Vì thế, hình ảnh cá chép vượt vũ môn hóa rồng đã trở thành biểu tượng cho sức mạnh, lòng dũng cảm vượt thác dữ, khó khăn để đạt được những thành công trong cuộc sống. Tục lệ treo cờ cá chép trong ngày Tết thiếu nhi của mỗi gia đình Nhật Bản cũng nhằm cầu mong cho các bé sự khỏe mạnh, thành công như cá chép vậy.

Trong một số ngôi nhà, cá chép được treo tượng trưng cho mỗi thành viên trong gia đình, thông thường họ sẽ treo cá chép màu đen ở trên cùng tượng trưng cho người cha, tiếp đến là cá chép màu đỏ tượng trưng cho người mẹ, và cá chép màu xanh dương tượng trưng cho bé trai. Một số gia đình treo số lượng cá chép đủ theo số lượng thành viên gia đình mình, mỗi người một màu khác nhau nên rất rực rỡ và đầy màu sắc. 

 Cờ cá chép

Ngoài cờ cá chép, các gia đình còn trưng bày những con búp bê Kintarou (tiếng Hán: Kim Thái Lang, là một vị anh hùng thiếu nhi trong truyền thuyết Nhật Bản, nổi tiếng với sức mạnh phi thường khi còn nhỏ, như Thánh Gióng của Việt Nam) cưỡi một con cá chép lớn, trên đầu đội mũ sắt của võ sĩ (gọi là Kabuto). Mũ sắt (Kabuto) và võ sĩ Kintarou là biểu tượng cho một bé trai khỏe mạnh và mạnh mẽ. 

Hình 4 – Kintarou và mũ võ sĩ

Ngoài ra, người dân Nhật còn làm bánh gạo nếp (gọi là bánh mochi) với đậu đỏ, bọc trong lá sồi (kashiwa) và bánh gạo nếp bọc lá tre (gọi là bánh chimaki). Cây sồi và cây tre cũng tượng trưng cho sức mạnh và một cuộc sống thành công.

Hình 5 – Bánh gạo nếp đậu đỏ bọc lá sồi và bánh gạo nếp bọc lá tre


Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *