Lễ hội Nagasaki Kunchi bắt nguồn từ điệu múa của 2 vũ nữ dâng lên các vị thần ở đền Suwa.
Vào thời Edo, khi Nhật Bản thi hành chính sách bế quan tỏa cảng với các quốc gia bên ngoài, Nagasaki là thành phố duy nhất của đất nước mặt trời mọc được quyền giao thương với Trung Quốc và Hà Lan. Nhờ đó, thành phố cảng biển đã sản sinh ra các lễ hội giao thoa văn hóa giữa phương Tây và nét truyền thống. Nagasaki Kunchi là một trong những lễ hội mang điểm nhấn đặc sắc đó.
Những thương thuyền nước ngoài được tái hiện trong lễ hội Nagasaki Kunchi. Ảnh: ANA.
Các lễ hội vào mùa thu được tổ chức trong ngày 9 sẽ được gọi là O-Kunichi. Mùa thu cũng là mùa nông dân dâng các sản vật ngon nhất của mình cho thần linh để tỏ lòng biết ơn. Vật phẩm dâng cho thần linh được gọi là “Kunichi” đồng âm với cách gọi ngày 9. Từ “Kunichi” trong lễ hội Nagasaki Kunchi được cho là bắt nguồn từ đó.
Lễ hội tổ chức từ ngày 7 tới 9 của tháng 10 hàng năm. Hoạt động đặc sắc nhất là các điệu múa được giao cho khu phố đảm nhận. Để xem lại cùng một điệu múa du khách phải chờ đến 7 năm sau vì chúng được thay đổi theo từng năm. Hoạt động này bắt nguồn từ việc dâng điệu múa lên thần linh tại đền thờ Suwa của 2 vũ nữ.
Các điệu múa trong lễ hội Nagasaki Kunchi. Ảnh: Tsunagu Japan.
Khi đến với lễ hội, du khách sẽ chứng kiến hoạt động diễu hành, rước kiệu thần đến Otabi-sou (rước thần xuống núi). Ngoài các điệu múa truyền thống, du khách không thể bỏ qua các điệu tái hiện lịch sử giao thương của Nhật Bản với Trung Quốc và Hà Lan.
Với du khách Việt Nam, Go-shuinsen là điệu múa không thể bỏ qua khi đến với lễ hội Nagasaki Kunchi. Điệu múa tái hiện cảnh thương nhân Sotaro Araki đưa công chúa Ngọc Hoa về quê hương. Môi lương duyên này được người Nhật trân trọng và công chúa cũng được người Nhật gọi với cái tên trìu mến là Anio – san.
Đến Nagasaki, du khách có thể ghé thăm những điểm du lịch nổi tiếng như đài tưởng niệm hòa bình, quần đảo Kujuku, cao nguyên Shirakine…
Diễu hành rước kiệu thần trong ngày lễ Nagasaki Kunchi. Ảnh: Nozomi Edu.