Làn sóng các công ty Nhật tiến hành thủ tục đầu tư tại Việt Nam dự báo tăng mạnh khi rào cản cách ly được dở bỏ.
Tại Diễn đàn M&A Việt Nam 2020 mới đây, ông Masataka Sam Yoshida, Giám đốc toàn cầu Dịch vụ mua bán – sáp nhập xuyên quốc gia RECOF Corporation cho biết, xu hướng công ty Nhật M&A vào Việt Nam sẽ sôi động trong giai đoạn hậu Covid-19.
Ông Masataka Sam Yoshida phân tích, cơ sở đầu tiên thúc đẩy làn sóng đầu tư vào Việt Nam là các công ty Nhật cần thị trường mới để mở rộng do hầu hết lĩnh vực ở Nhật đã phát triển chạm trần. Gần một phần ba dân số có độ tuổi trên 65, khiến độ tuổi trung bình của người Nhật là 48,4 tuổi, hơn người Việt Nam gần 20 tuổi, dân số giảm khoảng 276.000 mỗi năm.
Yếu tố thứ hai là chiến lược tăng trưởng M&A được hỗ trợ bởi nguồn tiền dồi dào ở Nhật tích lũy trong 20 năm qua, hơn 2.345 tỷ USD, tồn tại ở hình thức tiền gửi ngân hàng với lãi suất 0%. Với sức ép phải tái đầu tư số tiền này của các cổ đông khiến năm 2019 đạt kỷ lục với hơn 4.000 thương vụ trong tất cả loại hình M&A.
Căn cứ vào số lượng giao dịch năm 2020 tính đến cuối tháng 10, Việt Nam là điểm đến thứ 5 trên thế giới về số lượng thương vụ (21 thương vụ). Trong đó, nếu xét về tốc độ tăng trưởng giao dịch M&A giữa Việt Nam và Nhật Bản gần đây, Việt Nam có thể bắt đầu cạnh tranh với Anh Quốc ở vị trí số 2.
Nhà máy sản xuất điều hòa của thương hiệu Nhật Bản tại Việt Nam.Ảnh: Daikin.
Ông Masataka Sam Yoshida giải thích thêm, theo quan điểm của người Nhật, tại Thái Lan có khoảng 5.500 công ty Nhật Bản ở nước này nên đã quá muộn để nhập cuộc. Về Myanmar, chỉ có chưa đến 400 công ty Nhật Bản và các nhà đầu tư Nhật Bản bảo thủ vẫn phải chờ xem xét thời điểm thích hợp.
Trong khi đó, Việt Nam có khoảng 2.000 công ty Nhật Bản, được xếp vào nhóm điểm đến an toàn và đầy tiềm năng. Vì vậy, khi rào cản về cách ly và hạn chế đại dịch vào Việt Nam được dỡ bỏ, một làn sóng lớn các công ty Nhật Bản chờ đợi để tiến hành các thủ tục đầu tư sẽ xuất hiện mạnh mẽ.
Xu hướng M&A của các nhà đầu tư Nhật Bản vào khu vực Đông Nam Á, trong đó Việt Nam đạt số thương vụ cao nhất với 33 thương vụ trong năm 2019, cao hơn 1,5 lần so với năm trước. Điều này là minh chứng cụ thể cho sự quan tâm của các công ty Nhật Bản đối với Việt Nam.
Xem xét theo thứ hạng các quốc gia xếp theo giá trị giao dịch, trước đây, do quy mô doanh nghiệp nhỏ, Việt Nam chưa bao giờ nằm trong nhóm 3 nước dẫn đầu. Nhưng năm 2019, giá trị giao dịch ở Việt Nam đã đạt đến 389 triệu USD, gấp 2,8 lần so với năm 2017 và lần đầu tiên được xếp hạng trong top 3, với sự chênh lệch rất nhỏ so với nước đứng ở vị trí thứ hai là Indonesia (giá trị 415 triệu USD).
Gần đây nhất là trong 10 tháng đầu năm 2020, giữa Nhật Bản và Việt Nam có 21 giao dịch M&A công bố, chỉ đứng sau Singapore. Mặc dù sụt giảm 25% so với cùng kỳ do ảnh hưởng của đại dịch, nhưng nếu xét tổng số lượng giao dịch ra nước ngoài của Nhật giảm 33% trong giai đoạn này, mức giảm 25% của Việt Nam cho thấy vẫn tích cực hơn các quốc gia khác.
Xét về giá trị giao dịch, Việt Nam đứng thứ hai với 282 triệu USD. Việt Nam thậm chí còn chiếm vị trí cao hơn so với năm 2019 trong bảng xếp hạng giá trị giao dịch.
“Sự quan tâm từ nhà đầu tư Nhật Bản với Việt Nam là rất lớn ngay cả trong đại dịch. Việc chậm lại trong hoạt động đầu tư hoàn toàn chỉ là vấn đề về thời gian và thị trường M&A sẽ sôi động trở lại khi rào cản cách ly được dỡ bỏ”, ông Masataka Sam Yoshida nói.