Để đến gần hơn với người Việt, hàng tiêu dùng Nhật Bản cần có mức giá phù hợp, điều chỉnh kích thước/dung lượng sản phẩm, chú ý hơn tới thị hiếu tiêu dùng…
Tăng kết nối cung – cầu
Đã tròn 6 năm, Tổ chức Xúc tiến thương mại Nhật Bản (Jetro) tại Hà Nội giữ vai trò “bà mối”, giúp kết nối doanh nghiệp sản xuất hàng tiêu dùng Nhật Bản đến Việt Nam tìm nhà mua hàng. Năm nay, Covid-19 ập đến, nhưng kế hoạch đưa hàng Nhật tới Việt Nam không bị trì hoãn, có chăng, cách thức tổ chức sẽ khác mọi năm.
Thông tin với báo chí cuối tuần qua, đại diện Jetro tại Hà Nội cho biết, từ ngày 24/8 đến 30/10/2020, triển lãm kết nối doanh nghiệp hàng tiêu dùng Nhật Bản mang tên Good Goods Japan 2020 sẽ được tổ chức ngay tại Văn phòng Jetro (16 – Phan Chu Trinh, Hà Nội), với sự tham dự của 46 doanh nghiệp Nhật Bản, tập trung vào 4 nhóm hàng tiêu dùng thiết yếu, gồm: đồ dùng nhà bếp; sức khỏe, làm đẹp; vệ sinh, tẩy rửa và sản phẩm cho bé.
50% trong số này là những doanh nghiệp Nhật Bản lần đầu tiên tham gia tiếp thị tại Việt Nam. Số còn lại đều là những cái tên quen thuộc, nhưng lần này, họ đem đến Việt Nam những sản phẩm hoàn toàn mới.
Trong hơn 2 tháng diễn ra Triển lãm, các nhà mua hàng Việt Nam sẽ có cơ hội xem xét, trải nghiệm cũng như đánh giá thực tế sản phẩm của các nhà cung cấp đến từ Nhật Bản. Nếu doanh nghiệp Việt Nam có nhu cầu, Jetro sẽ sắp xếp các buổi kết nối đàm phán online với nhà cung ứng để chốt hợp đồng mua bán.
Thời gian qua, các sản phẩm tiêu dùng Nhật Bản vẫn gặp nhiều rào cản khi tiếp cận thị trường Việt Nam, chủ yếu là về mặt giá cả. Các sản phẩm đến từ Nhật Bản thường có giá cao hơn rất nhiều so với những sản phẩm cùng tính năng đến từ các nước như châu Âu, Hàn Quốc. Cách in hạn sử dụng trên bao bì của hàng Nhật thường có cả số và chữ, không theo tiêu chuẩn quốc tế
– Jetro tại Hà Nội
Ông Abe Tomofumi, Giám đốc dự án của Jetro tại Hà Nội khẳng định, Việt Nam là thị trường hấp dẫn đối với các nhà sản xuất và doanh nghiệp bán lẻ nước ngoài, khi doanh thu bán lẻ tại Việt Nam tăng trưởng ấn tượng, gấp 3 lần trong vòng 10 năm. Cụ thể, năm 2009, doanh thu bán lẻ tại Việt Nam mới đạt 1.116 tỷ đồng, thì năm 2014 đã tăng lên gấp đôi, đạt 2.216 tỷ đồng và cuối 2019 đạt 3.751 tỷ đồng.
Thêm vào đó, hệ thống kênh bán lẻ truyền thống và hiện đại không ngừng mở rộng, với 210 trung tâm thương mại, hơn 1.000 siêu thị, 3.000 cửa hàng tiện lợi cùng khoảng 8.500 chợ truyền thống. Đối với kênh bán lẻ trực tuyến, lượng truy cập các trang web trung bình mỗi tháng khá ấn tượng, ví dụ, Shopee đạt 38 triệu lượt, Thegioididong đạt 28 triệu lượt, Sendo đạt 27,7 triệu lượt, Lazada đạt 27 triệu lượt…
Những con số trên là lý do khiến các tập đoàn bán lẻ đa quốc gia như Aeon, Daiso, Muji, Takashimaya… đều đã hiện diện tại Việt Nam và tiếp tục chiến lược mở rộng quy mô đầu tư để khai thác sức mua tại thị trường hơn 97 triệu dân và tầng lớp trung lưu ngày càng gia tăng.
Theo thống kê, những năm gần đây, sản phẩm hàng tiêu dùng Nhật Bản được người Việt chọn mua nhiều nhất là đồ dùng, dụng cụ nhà bếp (28,9%); các sản phẩm làm đẹp, chăm sóc sức khoẻ và sản phẩm vệ sinh (22,2%).
Do đó, Jetro kỳ vọng, chương trình triển lãm lần này sẽ hỗ trợ các doanh nghiệp vừa và nhỏ Nhật Bản hoạt động trong lĩnh vực hàng tiêu dùng khai thác và mở rộng tại thị trường Việt Nam bằng các sản phẩm hàng tiêu dùng chất lượng, giá cả phù hợp với từng phân khúc tiêu dùng.
Điều chỉnh để chinh phục người tiêu dùng Việt
Với điểm cộng là hàng hóa chất lượng cao, đáp ứng được tiêu chuẩn khắt khe tại chính thị trường nội địa, lâu nay, doanh nghiệp Nhật Bản có lợi thế hơn so với nhiều các nhà cung ứng nước ngoài trong hành trình chinh phục người tiêu dùng Việt. Dẫu vậy, các nhà cung ứng Nhật Bản vẫn còn nhiều việc phải làm để thực sự có được kết quả kinh doanh ấn tượng trong nỗ lực xuất khẩu hàng hóa vào Việt Nam.
Theo ông Abe Tomofumi, trong 4 nhóm ngành hàng mà doanh nghiệp Nhật Bản tham gia Triển lãm Good Goods Japan 2020, điểm yếu lớn nhất vẫn là giá cao, phải cạnh tranh với sản phẩm có giá thấp hơn đến từ châu Âu, Hàn Quốc, thậm chí cả hàng nhái, hàng nhập lậu. Chưa kể, thị trường Việt Nam còn nhiều sản phẩm giá rẻ, không rõ xuất xứ.
Với nhóm đồ dùng, dụng cụ nhà bếp, hàng Nhật Bản có chất lượng tốt là điều không phải bàn cãi. Nhưng ngoài yếu tố giá bán cao, thì sự khác biệt về điện áp (các sản phẩm của Nhật Bản sử dụng điện áp 110V, trong khi Việt Nam sử dụng điện áp 220V) cũng là rào cản khiến một bộ phận khách hàng e ngại đầu tư bộ chuyển nguồn điện.
Đối với nhóm sản phẩm vệ sinh, chất tẩy rửa, dù sản phẩm của Nhật Bản có ưu điểm về độ an toàn, không mùi, chủng loại đa dạng, song phải cạnh tranh trực tiếp với các đối thủ như P&G, Unilever.
Sau 6 kỳ tổ chức triển lãm, Jetro đã có những lưu ý và đề xuất với các nhà cung ứng Nhật Bản để tiếp cận thị trường nội địa Việt Nam hiệu quả hơn.
“Qua trao đổi với các nhà mua hàng là doanh nghiệp bán lẻ và người tiêu dùng, chúng tôi đề nghị nhà sản xuất hướng mọi thứ tới người tiêu dùng, đó là sản phẩm chất lượng, an toàn, tiện ích. Doanh nghiệp phải có chính sách giá hợp lý khi thâm nhập thị trường bằng việc giảm chi phí sản xuất, điều chỉnh kích thước, dung tích sản phẩm để đưa giá xuống, giúp người tiêu dùng dễ dàng tiếp cận”, ông Abe nói.
Ngoài ra, các nhà cung ứng Nhật Bản cần giải quyết bài toán về thời gian đưa hàng tới Việt Nam. Cụ thể, quy trình đưa hàng vào Việt Nam cần được rút ngắn lại để giảm chi phí, hàng hóa phải dễ lưu kho, có hạn sử dụng dài, có hướng dẫn sử dụng chi tiết, thậm chí nên có thông tin thêm về sản phẩm mang đến Việt Nam đã và đang được tiêu thụ tại Nhật Bản và các thị trường khác ra sao…