Lối sống tối giản của người Nhật, thường được gọi bằng tiếng Nhật là Danshari hay tiếng Anh là Minimalism. Đây là một phong cách sống rất thú vị, được nhiều nước trên thế giới quan tâm và học hỏi. Vậy lối sống tối giản có gì đặc biệt mà nhiều người lại hứng thú với nó như vậy. Hôm nay chúng ta hãy cùng tìm hiểu nhé!
Tại sao lại xuất hiện lối sống tối giản Danshari?
Thứ nhất, đại đa số người Nhật Bản có xu hướng hướng về nếp sống mộc mạc, khiêm tốn, giản dị, không muốn bản thân nổi bật bởi những vật chất họ sở hữu. Họ còn luôn đề cao sự ngăn nắp, trật tự và sạch sẽ.
Bên cạnh đó, hiện đại hóa ngày càng thúc đẩy cho tư tưởng coi trọng vật chất ngày càng mạnh mẽ. Vì thế, một bộ phận người Nhật bắt đầu hướng đến một cuộc sống hạn chế sự ràng buộc từ vật chất. Họ chủ trương vứt bỏ những đồ vậy không cần thiết nhằm giải phóng không gian sống, tâm trí và luôn giữ “con người” ở vị trí trung tâm của cuộc sống.
Ngoài ra, nước Nhật là một quốc gia thường xuyên chịu ảnh hưởng của thiên tai, động đất. Chính vì vậy, người Nhật thường tránh sắm quá nhiều đồ đạc đề phòng tránh việc đồ đạc rơi rớt, gây nguy hiểm nếu có thiên tai xảy ra.
Lối sống tối giản Danshari
Danshari là sự kết hợp của 3 từ Kanji 断捨離 (Đoạn, xả, ly). Đây không chỉ đơn thuần là sự vứt bỏ vật chất không cần thiết, mà nó còn là sự giải tỏa cho tâm lý, tinh thần của bản thân mỗi người.
1. Dan (hán tự: Đoạn): Từ chối
Để hiểu đơn giản, nó như việc bạn trở thành một người trung thực với chính bản thân mình, chỉ lấy những gì bạn thực sự cần thiết. Đó là một cách để hạn chế “chủ nghĩa tiêu dùng vô tâm” mà có lẽ bất cứ ai trong chúng ta cũng từng mắc phải. Đây là một cách tuyệt vời để giúp bạn ghi nhớ rằng khi mua bất cứ món hàng nào bạn đều suy nghĩ: “À, mình thực sự cần món đồ này”, chứ không phải với cái lí lẽ “Chị bán hàng chào hàng giá ngọt quá”.
2. Sha (hán tự : Xả) : Vứt bỏ
Ở đây, nghĩa là bạn sẽ loại bỏ một phần lộn xộn trong thói quen hàng ngày của mình. Bạn chắc chắn sẽ đảm bảo được rằng sự lộn xộn đó và đống dư thừa sẽ nằm trong tầm kiểm soát của bạn. Chẳng hạn đơn giản như việc bạn vứt rác. Loại bỏ những điều không cần thiết chính là việc đang giúp bạn giảm bớt những gánh nặng đang đè lên đôi vai mỗi ngày vậy đó. Nếu không chịu loại bỏ, cứ để chúng tồn tụ theo thời gian thì gánh nặng sẽ ngày càng lớn và có ngày sẽ bùng nổ.
3. Ri (hán tự : Ly) : Tách biệt
Bạn tách bản thân mình ra khỏi cám dỗ của vật chất, rời xa cuộc đua hào nhoáng ngoài xã hội và quay trở về với chính bản thân bạn. Cuộc sống của bạn bao gồm nhiều thứ hơn là những gì bạn sở hữu. Một khi bạn chấp nhận điều này, vũ trụ sẽ mang lại cho bạn một món quà lớn hơn rất nhiều. Đó chính là sự hài lòng với những gì bạn có hơn là khao khát những gì bạn sẽ được tặng.
Tóm gọn lại:
– Từ chối đem về nhà những vật dụng không cần thiết.
– Vứt hết những thứ lỉnh kỉnh vướng víu trong nhà.
– Tránh xa cám dỗ mua sắm vật chất.
Danshari – Sự đơn giản tỷ lê thuận với hạnh phúc
Giới trẻ hướng theo lối sống Danshari sống trong một căn hộ mà chỉ chứa những vật dụng cần thiết cho cuộc sống hằng ngày. Tùy thuộc vào nhu cầu của từng cá nhân mà đồ đạc được tinh tế phân loại, cắt giảm một cách khoa học trong một thời gian tương đối.
Sau một thời gian thực hiện, tinh thần của họ trở nên khoáng đạt và thoải mái hơn. Việc loại bỏ dần dần vật chất, sẽ mang đến một lợi ích tích cực đó chính là những gì ở lại chính là những gì họ thật sự yêu thích và trân trọng trong cuộc đời, mọi thứ sẽ trở nên thật sự rõ ràng. Thay vì lãng phí thời gian, tâm trí cho những thứ không cần thiết thì họ sẽ tập trung xử lý sạch sẽ, nâng niu những thứ họ chọn ở lại trong cuộc sống của họ.
Không chỉ là trào lưu cho những người trẻ Nhật trong độ tuổi 20-30, lối sống Danshari hiện nay đã lan rộng ra toàn thế giới, những người ưa trải nghiệm, muốn giải phóng mình khỏi tất cả những vướng bận đời thường.