Captain Tsubasa đã vượt qua một cuốn truyện tranh giải trí thông thường mà trở thành nguồn cảm hứng cho bước phát triển thần kỳ của bóng đá Nhật Bản, cũng như cho nhiều danh thủ thế giới.
Chờ đợi gần 70 năm cho lần đầu tiên được dự World Cup, Nhật Bản đánh dấu cột mốc lần đầu bước ra ánh sáng ở đấu trường thế giới từ năm 1998. Kể từ đó đến nay, “Samurai xanh” liên tục giành quyền xuất hiện tại đấu trường cao nhất của bóng đá thế giới.
Màn trình diễn của ĐT Nhật Bản tại World Cup 2018 thậm chí còn gây ngạc nhiên khi khiến Bỉ – đội giành hạng ba chung cuộc phải toát mồ hôi đến giây cuối cùng.
Sự ra đời của “Captain Tsubasa”
Có được ngày hôm nay, những người làm bóng đá Nhật Bản phải nghiêng mình cảm ơn Tsubasa Oozora, cậu bé 11 tuổi bước ra đời thực từ truyện tranh. Đó là sản phẩm từ trí tưởng tượng của họa sĩ vẽ truyện tranh và tranh châm biếm Yoichi Takahashi.
Trong bối cảnh Nhật Bản cuối thập niên 70, đầu thập niên 80 của thế kỷ trước, bóng chày là môn thể thao phổ biến bậc nhất của Nhật Bản. Thế nên ý tưởng về một cầu thủ vượt ra khỏi biên giới Nhật Bản, tiến ra phạm vi thế giới là sự sáng tạo đáng kinh ngạc của Takahashi.
World Cup 1978 diễn ra tại Argentina truyền hình trực tiếp tại Nhật Bản đã mang lại cảm hứng cho họa sĩ Takahashi. Ban đầu, ông vẽ truyện tranh về bóng chày, một ý tưởng dễ dàng và phổ quát hơn. Nhưng càng nghiên cứu, Takahashi càng bị cuốn hút với ma thuật của bóng đá dù đây không phải môn thể thao được yêu thích ở Nhật Bản thời điểm đó.
Vì vậy, Takahashi tạo ra hình tượng nhân vật Tsubasa, kiên trì với lĩnh vực không thực sự hiểu biết. Sau bốn thập kỷ, Tsubasa tồn tại trong ít nhất 15 series truyện tranh, sáu series hoạt hình, bốn bộ phim dài, 14 trò chơi điện tử,… Kèm theo đó là hàng loạt quần áo, đồ lưu niệm chứng tỏ sức sống cùng tầm ảnh hưởng với xã hội Nhật Bản.
Trong cuộc phỏng vấn năm 2011 với Nipon, họa sĩ Takahashi nhận được lời nhận xét rằng “Tsubasa làm bùng lên làn sóng bóng đá ở Nhật Bản, thúc đẩy tình yêu và sự phát triển với môn thể thao này”.
Vị họa sĩ tài năng trả lời khiêm nhường: “Tôi không nghĩ Tsubasa ảnh hưởng nhiều vì chính sự hấp dẫn của bóng đá dẫn tới sự yêu thích ngày hôm nay. Nhưng tôi vẫn hạnh phúc khi mọi người nói thế, thành thật mà nói tôi nghĩ mình vui khi đóng góp cho bóng đá Nhật Bản ở một mức độ nào đó”.
Trong tập đầu tiên, một bình luận viên đã trêu chọc Tsubasa bằng câu hỏi “bao giờ thì Nhật Bản đến World Cup?” Tsubasa trả lời ngay: “Một ngày nào đó, tôi sẽ biến giấc mơ này thành sự thật”.
Có thể Tsubasa chỉ là nhân vật hư cấu nhưng giấc mơ của cậu bé với người Nhật Bản là thật. Và chính nguồn cảm hứng từ Tsubasa đã thôi thúc rất nhiều cô, cậu bé Nhật Bản quyết định gắn bó với bóng đá để biến câu nói của Tsubasa trở thành hiện thực.
Tiền vệ huyền thoại Hidetoshi Nakata trong một cuộc phỏng vấn trên FIFA nói về nguồn cảm hứng từ Tsubasa: “Ở Nhật Bản, 20 đến 30 năm trước, bóng chày rất phổ biến còn bóng đá mới ở bước chập chững. Thế nên chẳng có thần tượng hay đội bóng trong mơ nào”.
“Nhưng từ truyện tranh, gọi là Captain Tsubasa, tôi đọc nó và thực sự yêu bóng đá. Tôi từng nghĩ về việc chơi bóng chày hay bóng đá. Và quyết định cuối cùng là bóng đá”.
Không chỉ ở trong phạm vi biên giới Nhật Bản, hình tượng Tsubasa còn được tác giả hướng đến một thế giới rộng lớn hơn. Sau khi giúp đỡ đội bóng thị trấn hư cấu Nankatsu, Tsubasa bước lên cuộc hành trình ra nước ngoài với chức vô địch Campeonato Brasileiro Serie A với Sao Paulo (Brazil), ghi hattrick vào lưới Real Madrid khi chuyển đến Barcelona,…
Nhờ thế, Tsubasa làm mê hoặc khán giả trên toàn thế giới. Ở Tây Ban Nha, bộ phim được đổi tên thành “Oliver y Benji”. Trong quãng thời gian khoác áo Chelsea, tiền đạo Fernando Torres nói về hình tượng khiến anh muốn học tập trong bóng đá khi còn ấu thơ.
“Khi còn nhỏ, chúng tôi không thể tìm ra tín hiệu vô tuyến thật sự tốt nhưng bất cứ đứa trẻ nào ở trường cũng nói về bộ phim hoạt hình có nội dung bóng đá, từ Nhật Bản” – Torres thổ lộ: “Đó là series phim gọi là ‘Oliver y Benji’ trong tiếng Tây Ban Nha”
“Hai cầu thủ bắt đầu từ đội trẻ, tiến vào tuyển quốc gia rồi vô địch World Cup. Sau đó, họ chuyển đến Barcelona và Bayern Munich. Đó là một giấc mơ. Tôi bắt đầu chơi bóng đá là vì thế, tôi muốn trở thành Oliver”.
Năm 2017, Nicolas Olea người viết tự truyện cho Alexis Sanchez tiết lộ: “Khi Alexis ở Barcelona, anh ấy có một bộ sưu tập mỗi serie phim. Tôi nghĩ Alexis có liên quan đến thế giới hư cấu đó. Anh ấy tự coi mình là nhân vật hoạt hình và chạy mãi trên sân”.
Rất nhiều danh thủ khác trên thế giới cũng thừa nhận Captain Tsubasa đã truyền cảm hứng cho họ, bao gồm cả Alessandro Del Piero, Lukas Podolski, Zinedine Zidane Thierry Henry, Gennaro Gattuso và cả Andres Iniesta. Khi gia nhập Vissel Kobe, Iniesta đã tranh thủ gặp họa sĩ Takahashi để nhận những bức vẽ lưu niệm.
Trong khu phố Katsushika nhộn nhịp ở Tokyo – nơi họa sĩ Takahashi lớn lên, một bước tượng Tsubasa bằng đồng được đặt để tôn vinh nguồn cảm hứng cho cả một quốc gia. Như cách mà người Nhật vẫn hay giới thiệu với du khách về bức tượng đồng: “Doumo arigatou, Takahashi-san” (tạm dịch: Cảm ơn rất nhiều, Takahashi).
Theo Bongda24h