Ainu là một trong số ít dân tộc thiểu số ở Nhật Bản, ước tính dân số hiện nay còn khoảng 25.000 người. Nguồn gốc của người Ainu còn có nhiều giả thuyết, nhưng các học giả cho rằng, tổ tiên họ là dân tộc từng có mặt ở phía Bắc châu Á cách đây vài nghìn năm.
Người Ainu trong trang phục truyền thống. Nguồn: CNN
Hiện nay, người Ainu phần lớn sống ở dọc theo bờ biển có khí hậu ấm áp phía Nam Hokkaido, họ dựng nhà dọc bờ sông hoặc bờ biển, nơi gần nguồn nước và giữ an toàn khỏi nguy hiểm ngoài tự nhiên. Trước đây, nguồn thức ăn chính của người Ainu là từ việc săn bắt, câu cá do đàn ông phụ trách hoặc hái lượm rau dại, nấm, các loại quả mọng trong rừng mà chủ yếu là do phụ nữ kiếm được. Họ không bao giờ bứng cả cây hoặc hái hết mà luôn chừa lại để cây tiếp tục phát triển và sinh sôi, làm nguồn thức ăn sau này. Việc chế biến, nấu chín thức ăn cũng đơn giản với dầu động vật, tảo và muối. Quần áo người Ainu mặc làm từ da động vật, da cá hoặc dệt từ vỏ cây.
Phụ nữ Ainu từng có tục lệ xăm hình trên môi từ khi còn nhỏ nhưng điều này chỉ còn được thấy ở những phụ nữ lớn tuổi do tục lệ này không còn thực hiện ngày nay. Về mặt ngôn ngữ, tiếng Ainu là độc nhất, nhưng không còn tồn tại dạng chữ viết mà chủ yếu do người cao tuổi sử dụng nghe và nói. Điều này cũng ảnh hưởng không nhỏ đến việc lưu truyền văn hóa, truyền thống của dân tộc này.
Sau nhiều thay đổi theo thời gian, người Ainu hiện nay lại sống nhờ vào nghề nông, sản xuất các đồ thủ công, như: làm mộc, dệt vải. Ainu được Chính phủ công nhận chính thức là một dân tộc bản địa của Nhật Bản vào tháng 4-2019. Trung tâm Văn hóa Ainu cũng được thành lập từ năm 2003, nằm cách trung tâm thành phố Sapporo, đảo Hokkaido khoảng 40 phút lái xe. Đây là nơi khách tham quan có thể chiêm ngưỡng điệu múa truyền thống, đồ thủ công, những hình ảnh về truyền thống của người Ainu… nhằm tăng cường giới thiệu rộng rãi văn hóa của người Ainu đến nhiều người trong và ngoài nước.