Sau thế hệ Millennials, thì Centennials – thế hệ Z (1997 – 20212) đang là nguồn nhân lực mới tham gia vào lực lượng lao động. Với sự phá cách, sáng tạo, và nhìn nhận sự việc đa chiều, thế hệ Z hoàn toàn là nhân tố đột phá cho sự phát triển của doanh nghiệp bạn. Tuy nhiên, Gen Z vẫn là luồng gió mới có nhiều sự khác biệt mà các doanh nghiệp, những người quản lý nhân sự cần thời gian tìm hiểu, để cùng nhau hợp tác trong công việc.
Để có thể đồng hành cùng Gen Z và phát triển doanh nghiệp, trước tiên hãy cùng tìm hiểu về nhu cầu và xu hướng của Gen Z trong công việc nhé.
Xu hướng phát triển
Nếu Gen Y nổi tiếng là thế hệ nhảy việc, thì ở Gen Z, xu hướng nhảy việc có phần giảm. Dù Gen Z là thế hệ ưa thích sự mới lạ, nhưng cũng là thế hệ chuộng tính ổn định trong cuộc sống và công việc, chính vì vậy, thế hệ này có thời gian gắn bó với doanh nghiệp dài hơn Millennials.
Tuy nhiên, mức độ tham vọng sự nghiệp của Gen Z lại cao hơn Gen Y rất nhiều. Điều này có thể thấy, nếu Gen Z nhận ra rằng bản thân đã chinh phục được mọi thử thách, khó khăn ở vị trí hiện tại, thì họ sẵn sàng “dứt áo ra đi” để tìm nơi có nhiều thử thách để phát triển bản thân của mình. Đó cũng là lý do vì sao các Gen Z ngày nay lại cực kỳ bị thu hút bởi môi trường Startup đầy thử thách và mang tính cọ xát với thực tế cao.
Cũng vì khao khát phát triển bản thân trong sự nghiệp, một trong những phúc lợi mà Gen Z quan tâm nhất khi tìm hiểu về công ty, chính là hành trình phát triển sự nghiệp khi đồng hành cùng công ty. Khi phải lựa chọn giữa một vị trí thực tập có thể mở ra nhiều cánh cửa và một công việc với mức lương cao hơn, thế hệ Z thường nhìn vào con đường lâu dài và 93% sẽ lựa chọn trở thành một thực tập sinh thay vì mức lương cao. Do đó, khi các nhà quản lý nhân sự muốn tiết kiệm chi phí tuyển dụng và giữ chân nguồn nhân lực thế hệ Z, hãy chú trọng vào những giá trị thật sự (ngoài lợi nhuận) mà công ty có thể mang lại cho họ. Lộ trình thăng tiến rõ ràng và khả thi, cùng chương trình đào tạo chất lượng, những thử thách hấp dẫn sẽ khiến thế hệ này trung thành với doanh nghiệp nhiều hơn.
Linh hoạt và độc lập
Không chỉ Millennials, mà các bạn trẻ thuộc Gen Z cũng đề cao sự linh hoạt trong chính sách làm việc. Vì Gen Z là thế hệ ưu tiên sự cân bằng giữa công việc và cuộc sống khá cao. Vì vậy, doanh nghiệp cần thật sự quan tâm đến nhu cầu cân bằng của Gen Z. Thực hiện chính sách giờ làm việc linh hoạt, cùng với sự thúc đẩy công việc từ xa, và tôn trọng thời gian cá nhân chính là những điều Gen Z cần khi làm trong một doanh nghiệp.
Theo nhiều nghiên cứu, nguồn nhân lực Gen Z tin rằng giờ giấc làm việc linh hoạt, làm việc từ xa ở nhiều không gian làm việc khác nhau sẽ giúp họ có tâm lý thoải mái, hiệu suất công việc được nâng cao, kích thích tối đa tính sáng tạo và năng suất của Gen Z.
Bên cạnh đó, vì Gen Z cần sự thoải mái trong môi trường làm việc, nên sự riêng tư và không gian cá nhân cũng được đề cao trong môi trường làm việc của Gen Z. Một môi trường làm việc có đáp ứng được nhu cầu của họ nên bao gồm cả 02 lựa chọn: nơi làm việc nhóm và cả khu vực làm việc riêng. Ngoài ra, thế hệ Z cũng yêu thích một môi trường văn phòng rộng rãi nhưng có vai trò rõ ràng. Ví dụ như: khi cần phải nói chuyện cá nhân với gia đình thì sẽ đến phòng nào hoặc phòng nào chỉ dành cho việc họp nhóm hoặc nghỉ ngơi. Ngoài ra, một môi trường đa dạng, chấp nhận được những sự khác biệt của một cá nhân cũng sẽ được lòng “những đứa trẻ” thích phá vỡ nguyên tắc này.
Kết nối
Gen Z luôn muốn hướng tới sự bình đẳng trong công việc. Họ ưa thích việc xây dựng các mối quan hệ là đồng nghiệp hơn là sự phân tầng trong xã hội. Gen Z muốn phá bỏ ranh giới xa cách giữa “cấp trên – cấp dưới”. Vì họ tin rằng, sự kết nối của con người thật sự không có giới hạn. Dù là thế hệ công nghệ, Gen Z vẫn muốn được kết nối trực tiếp với các đồng nghiệp của mình, không phải kết nối thông qua trên mạng xã hội. Vì Gen Z đánh giá cao tính hiệu quả khi giao tiếp, các vấn đề sẽ được giải quyết khi trò chuyện trực tiếp.
Trong công việc, sự kết nối và phản hồi cũng rất quan trọng với Gen Z. Họ luôn muốn nhận được phản hồi liên tục về công việc họ đang thực hiện. Những đóng góp mang tính xây dựng sẽ giúp họ hoàn thành công việc tốt hơn và giúp họ biết chắc rằng mình đang thực hiện đúng công việc của mình.
Ngoài ra, kết nối đa dạng trong môi trường làm việc cũng là điều mà các Gen Z mong muốn. 63% thế hệ Z cảm thấy rằng việc làm việc với những người có nền tảng giáo dục, trình độ kỹ năng và văn hóa khác nhau là điều cần thiết. Sự hòa nhập với mọi người trong doanh nghiệp, không chỉ nằm trong phạm vi đội nhóm, sẽ thỏa mãn được sự ham muốn học hỏi của mình. Sự đa dạng không chỉ khiến công ty của bạn trở nên hấp dẫn hơn đối với Gen Z mà còn là một phần quan trọng trong kế hoạch giữ chân nhân viên của bạn.
Sự công nhận
Sự công nhận đối với Gen Z không chỉ là công nhận về kết quả và những nỗ lực mà họ đã tạo ra, mà còn là sự lắng nghe của doanh nghiệp. Dù đây là nguồn nhân trẻ, nhưng Gen Z hoàn toàn có thể chủ động trong quá trình thúc đẩy phát triển công ty bởi lối tư duy hiện đại, toàn cầu hóa.
Một trong những cách để thúc đẩy tinh thần làm việc và giữ chân Gen Z là tạo cho họ cảm giác được tôn trọng về ý kiến, ý tưởng đóng góp ở vai trò của họ, khuyến khích Gen Z đưa ra những giải pháp cho công việc và đánh giá cao những hiểu biết của của những “đứa trẻ” Gen Z.