Bạn có thể thành công trong lĩnh vực nào đó dù có thể hiện tại không biết phải làm sao. Bạn cũng có thể thành công dù không có biệt tài nào trong lĩnh vực đó. Nhưng bạn sẽ không bao giờ thành công được ở bất cứ lĩnh vực nào nếu không hành động.
Nguồn gốc của động lực
Hành động không chỉ là ảnh hưởng của động lực mà còn là nguồn gốc của chính nó.
Hầu hết mọi người chỉ cam kết hành động nếu họ cảm thấy một mức độ nhất định động cơ thúc đẩy. Và họ chỉ cảm thấy có động lực khi họ cảm nhận một nguồn cảm hứng cảm xúc. Mọi người chỉ có động lực để học tập cho kỳ thi khi họ hình dung ra những hậu quả. Mọi người chỉ bắt đầu chọn và học một loại nhạc cụ nào đó khi họ cảm thấy được truyền cảm hứng vì có thể chơi cho những người họ thích.
Và tất cả chúng ta đã từng buông lơi mọi thứ vì thiếu động lực ít nhất một lần trong đời. Đặc biệt là trong thời điểm mà chúng ta không nên. Chúng ta cảm thấy thờ ơ và lãnh đạm khi hướng tới một mục tiêu nhất định đã đặt ra cho chính mình bởi vì chúng ta thiếu động lực và chúng ta thiếu động lực bởi vì chúng ta không cảm thấy bất kỳ khao khát về cảm xúc nào để thực hiện điều đó.
Cảm hứng cảm xúc → Động lực → Hành động mong muốn
Nhưng có một vấn đề khi hoạt động theo khuôn khổ này: Thường những thay đổi và hành động chúng ta cần nhất trong cuộc sống được truyền cảm hứng bởi những cảm xúc tiêu cực và đồng thời chúng cũng cản trở chúng ta thực hiện hành động đó.
Nếu một người đang cố hàn gắn mối quan hệ của họ với người khác, những cảm xúc nội tại (những tổn thương, oán giận, sự trốn tránh) hoàn toàn đi ngược lại những hành động cần thiết để hàn gắn (tiếp xúc, trung thực và giao tiếp).
Nếu ai đó đang muốn giảm cân nhưng lại trải qua nhiều lần xấu hổ về cơ thể thì hành động đi đến phòng gym sẽ có khuynh hướng truyền cảm hứng họ tương tự như những cảm xúc đã giữ chân họ ở nhà và nằm dài trên chiếc ghế sofa.
Những tổn thương trong quá khứ, kỳ vọng tiêu cực và cảm giác tội lỗi, xấu hổ và sợ hãi thường khiến chúng ta trốn tránh những hành động cần thiết để vượt qua những tổn thương, kỳ vọng và cảm xúc tiêu cực đó.
Chuỗi động lực không phải chỉ là một chuỗi chỉ gồm 3 phần mà đó là một vòng lặp vô tận:
Cảm hứng → Động lực → Hành động → Cảm hứng → Động lực → Hành động → …
Hành động của bạn sẽ tạo ra các phản ứng về cảm xúc và cảm hứng tiếp theo và lặp đi lặp lại thúc đẩy những hành động trong tương lai. Lợi dụng kiến thức này, ta có thể thực sự tái định hướng suy nghĩ của chúng ta theo cách sau:
Hành động → Cảm hứng → Động lực
Kết luận là nếu bạn không có động lực để thực hiện một sự thay đổi quan trọng trong cuộc sống của bạn, thì hãy làm một cái gì đó, bất cứ điều gì, và sau đó khai thác các phản ứng với hành động đó như một cách để bắt đầu thúc đẩy chính mình.
Hãy làm điều gì đó
Giới tâm lý học gọi nó là Nguyên tắc “Get Thing Done” (Làm gì đó). Làm thế nào để có được động lực: thực hiện bước đầu tiên: làm điều gì đó
Những gì các nhà nghiên cứu thấy là thường một khi đã làm một cái gì đó, dù là hành động nhỏ nhất, nó sẽ sớm cung cấp cho chúng ta nguồn cảm hứng và động lực để làm một điều khác. Nó giúp chúng ta tự thúc đẩy bản thân: “OK, tôi đã làm điều đó, tôi nghĩ tôi có thể làm được nhiều hơn nữa.”
Trong vài năm đầu tự làm việc, cả tuần đã có thể bị lãng phí hoặc không có việc nào được hoàn thiện ngoài lý do tôi đã lo lắng và căng thẳng khi nghĩ về những việc phải làm. Tôi nhanh chóng nhận ra rằng việc buộc bản thân làm điều gì đó, dù là việc nhỏ sẽ khiến những nhiệm vụ lớn có vẻ dễ dàng hơn nhiều.
Nếu tôi phải thiết kế lại trang web, trước tiên tôi sẽ buộc mình ngồi trước máy tính và tự nhủ “OK, bây giờ mình chỉ cần thiết kế lại Header thôi”. Nhưng sau khi phần Header đã hoàn thiện. Tôi lại tự thấy mình đang tiếp tục những phần khác. Và trước cả khi nhận ra, tôi đã được tiếp năng lượng và hứng thú cho công việc của mình.
Giáo viên toán học của tôi từng nói với chúng tôi “Nếu các em không biết làm thế nào để giải quyết một bài toán, hãy bắt đầu viết một cái gì đó, bộ não sẽ tự biết phải làm gì tiếp theo.” Và chắc chắn, cho đến ngày nay, điều này vẫn đúng. Hành động đơn thuần tự nó sẽ truyền cảm hứng cho những ý nghĩ mới, những ý tưởng mới, từ đó sẽ dẫn chúng ta tới cách giải quyết những vấn đề trong cuộc sống. Tuy vậy những cái nhìn sâu sắc không bao giờ đến nếu chúng ta chỉ đơn giản ngồi ngắm nhìn nó.
Bạn có thể nhận ra khái niệm này trong nhiều bài viết khác trong nhiều vỏ bọc khác nhau. Nó đã từng được đề cập trong cuốn “Failing Forward” và “Ready, Fire, Aim”. Nhưng không quan trọng khái niệm này đến với bạn bằng hình thức nào thì đó vẫn là một lối suy nghĩ vô cùng hữu ích và một thói quen tốt để áp dụng.
Càng trải nghiệm nhiều tôi càng thấm thía rằng thành công trong bất cứ lĩnh vực nào chỉ phụ thuộc ít đến hiểu biết hay tài năng mà gắn kết chặt chẽ với hành động được bổ trợ bởi kiến thức và tài năng.
Bạn có thể thành công trong lĩnh vực nào đó dù có thể hiện tại không biết phải làm sao. Bạn cũng có thể thành công dù không có biệt tài nào trong lĩnh vực đó. Nhưng bạn sẽ không bao giờ thành công ở lĩnh vực nào nếu không hành động. Không bao giờ.