Tư duy sáng tạo là điều kiện bắt buộc cho các công việc liên quan đến các ngành truyền thông, marketing, thiết kế, nghệ thuật,… nếu thiếu nó chắc chắn bạn sẽ đi rất chậm. Liệu bạn có thể nhìn ra được những đặc điểm có thể đánh chết tư duy sáng tạo khiến đa số mọi người khó khăn trong quá trình làm việc? Những điều này có vẻ như quen thuộc, như đôi khi sự quen thuộc đó lại khiến bạn sẽ đánh mất tư duy sáng tạo một cách vô thức.
Vậy nếu bạn quan tâm đến chủ đề này, chúng ta cùng bắt đầu nào!
1. Khoan hãy chấp nhận bản thân mình, bạn nhé!
Có nhiều điều trong bài phân tích “Đừng chấp nhận bản thân, đặc biệt nếu bạn hoạt động trong lĩnh vực sáng tạo” của Monster Box được đăng tải trên Facebook, thật sự khiến người đọc phải suy nghĩ. Bài viết được đề cập đến việc bạn sẽ không còn đủ ý chí để tiến lên, một khi đã hài lòng với chính bản thân mình. Việc đó không những khiến tư duy sáng tạo của bạn chết dần chết mòn mà còn khiến bạn không thể nào bức phá trong công việc, đặc biệt là những công việc cần sự năng động trong thời đại ngày nay. Chỉ đơn giản là con người chúng ta kỳ lạ lắm, không có điểm kết thúc, vậy nên sẽ không có cái thật sự rõ ràng là “giới hạn bản thân”.
Nếu bạn là một cô, cậu sinh viên vừa mới ra trường thì không nên cho phép mình tự thỏa mãn với bản thân quá sớm. Hãy cố gắng để trở thành một team player, trở thành một trong những “nơ-ron” quan trọng của team, đừng trở thành người “có cũng được, không có cũng không sao” nhé! Nỗ lực hoàn thiện mình, ngày hôm nay phải tốt hơn ngày hôm qua. Cuộc sống bạn chắc hẳn sẽ trở nên có ích và thú vị hơn nhiều đấy.
2. Đừng mãi theo sau người khác, tỏa sáng theo cách của riêng bạn.
Việc ỷ lại vào bộ não của người khác là một điều đáng báo động, bạn thử tưởng tượng nếu hằng ngày bạn đều bám vào ý tưởng của một người nào đó, rồi đến một ngày vì lý do vu vơ nào đó bạn không có cơ hiệu tiếp xúc hay không còn gặp người đó nữa thì phải giải quyết những vấn đề khó khăn ấy ra sao. Chắc rằng bạn sẽ cảm thấy bị “cạn ý tưởng” nhưng không nhận ra rằng ngay từ đầu thật sự bạn chẳng có bất kỳ ý tưởng nào cả!
“Đi theo bóng mặt trời” quá nhiều có khiến bạn áp lực hay tù túng không? Hãy thử một lần trở thành mặt trời xem, dần dần tỏa sáng. Và dĩ nhiên, bài viết này sẽ không có một câu trả lời cụ thể nào cho câu hỏi “Làm cách nào để bạn có thể thoát ra khỏi cái bóng đó?” Vì mỗi người sẽ có một cách khác nhau để tìm ra bản thân mình. Muốn làm thế nào tự bạn sẽ chọn cách riêng cho bạn nhé! Nếu bạn thấy quá khó, thì điều đầu tiên, hãy tập cách tư duy và đánh giá vấn đề theo chính góc nhìn của bạn mà không áp đặt bất cứ cách suy nghĩ của ai lên mình. Và điều gì cũng vậy, luôn cần có sự kiên trì, kiên trì với những gì mình làm, rồi bạn sẽ gặt được thành quả.
3. Ngại bức phá khỏi giới hạn bản thân
“Mọi người sẽ nghĩ sao đây?”, “Họ có thích idea (ý tưởng) này không?”, “Nó có kỳ quặc lắm không ta?” Đó là tâm lý gần như là phổ biến của một người khi họ có những sáng tạo mới, mà đã là sáng tạo thì đôi khi có sự khác biệt. Bạn sợ mọi người đáng giá sự khác biệt đó nên chỉ dám dừng lại ở mức suy nghĩ chứ không “phóng” nó ra ngoài, rồi lại lặp một vòng quỹ đạo cũ. Cứ thế bạn dần sẽ cảm thấy chán nản với công việc cũng như quá tải vì lượng idea không được giải phóng tích tụ quá nhiều ngày qua ngày trong đầu bạn. Đó là dấu hiệu cho việc tự ti với những ý tưởng của mình hay rộng hơn là với chính bản thân mình.
Điều này có thể xuất phát khách quan từ thói quen giáo dục theo cách truyền thống ở nước ta, giáo viên ở trường trung học có vẻ cũng không thích “sự phá cách”, họ muốn học sinh ngoan ngoãn, vâng lời, chấp hành đúng nội quy, không quậy phá. Thật đáng tiếc khi họ không nhận ra chính cách làm đó đã một phần khiến cho một thế hệ không còn tin tưởng vào “điều khác lạ” là cần thiết nữa.
Hãy thử vượt qua chính mình, bước ra khỏi nỗi sợ bị cười nhạo, đánh giá hay ánh mắt người khác dành cho bạn để bứt phá trên con đường mới nhé. Vậy nên nếu có ý tưởng nào mới lạ, đừng ngần ngại nói ra, biết đâu đó chính là điều cả team bạn đang tìm kiếm bây lâu nay đấy!
4. Tự mãn với kiến thức mình đã có
Điều nay hoàn toàn trái ngược với hai điều ở trên. Người ta hay nói “cái gì quá cũng không tốt” cũng có phần đúng đấy. Nhưng quá ở đây không phải quá ở ý tưởng mà là quá ở sự tự tin với bản thân. Nói cụ thể hơn thì trường hợp bạn cảm thấy mình quá giỏi, quá toàn diện để hiểu biết ở mọi lĩnh vực do đó không cần phải học thêm gì nữa mà chỉ cần truyền đạt cho mọi người, thế là đủ. Nhưng thực tế, có một quy luật cơ bản rằng: Không học hỏi thêm là cách nhanh nhất để triệt tiêu tư duy của một con người.
Lenin đã từng nói rằng:”Học, học nữa, học mãi”, bởi lẽ kiến thức là vô tận, bạn dù biết nhiều thế nào thì cũng chỉ là hạt cát giữa sa mạc thôi, còn rất nhiều điều hay ho đang chờ bạn phía trước. Đừng vội chủ quan với kiến thức của mình nhé, có tinh thần học hỏi nhìn đâu bạn cũng sẽ thấy thêm những kiến thức mới bổ ích.
Hy vọng bài viết này có thể giúp bạn nhận ra một số điều tiêu cực để thay đổi kịp thời, đâu đó có thể những sản phẩm của bạn sẽ đôi lần thất bại, đừng nản chí, cố gắng cho lần sau, thành công không bỏ qua người chịu khó tìm tòi, học hỏi đâu!
Và đừng quên tận hưởng cuộc sống theo cách có ý nghĩa vì tạo ra được giá trị có ích cho xã hội nhé!