Đối với những người học tiếng Nhật, một trong số các câu đầu tiên bên cạnh câu chào hỏi, đó là “どうぞ よろしくおねがいします – Dozo yoroshiku onegaishimasu” (Rất mong nhận được sự giúp đỡ của anh/chị). Câu nói này thường xuyên được người Nhật sử dụng, đặc biệt là trong các mối quan hệ gặp nhau lần đầu tiên.
Trong văn hóa người Nhật, có một câu ngạn ngữ là “Chim ưng khôn giấu móng vuốt”. Câu nói này nhằm thể hiện quan điểm những người càng tài giỏi, càng có địa vị cao, lại phải càng khiêm nhường. Ngày từ khi còn nhỏ, người Nhật đã được giảng dạy về tính khiêm nhường và ăn sâu vào tiềm thức như một nét văn hoá. Trong một mối quan hệ tập thể, người Nhật thường tự hạ thấp bản thân mình và tỏ ra khiêm tốn bằng cách cần người khác giúp đỡ, chỉ bảo thêm. Bản thân họ cũng không thích được khen quá nhiều và tránh sự khoe khoảng, bộc lộ cá tính bản thân. Nếu như trong giao tiếp, bạn có khen người Nhật về một lĩnh vực nào đó, ngay lập tức họ sẽ phủ nhận, thậm chí là cảm thấy không thoải mái. Vì vậy, nếu như bạn muốn khen họ, bạn phải thể hiện thật khéo léo, không nên khen trực tiếp mà có thể xin họ lời khuyên, hoặc đơn giản là nhờ họ chỉ dẫn thêm.
Đức tính khiêm nhường của người Nhật còn được thể hiện qua cách họ tặng quà. Cho dù món quà có giá trị cao hay thấp, họ luôn đưa món quà bằng hai tay và tặng với câu nói “Mặc dù nó không có giá trị gì, nhưng xin ông/bà hãy vui lòng nhận cho”. Trên thực tế, những câu nói khiêm nhường được áp dụng vào rất nhiều tình huống trong giao tiếp của người Nhật. Những người ở vị trí cấp cao như Chủ tịch tập đoàn hay Thủ tướng Chính phủ, trước khi phát biểu thường bắt đầu với câu nói “Tôi vẫn còn đang học hỏi và tôi rất ngại khi đứng trước các bạn tại đây”.
Như vậy, từ việc học tiếng Nhật, các em nhỏ cũng sẽ dần hiểu được văn hóa khiêm nhường của người Nhật và phong cách “nói ít làm nhiều”, tự tin nhưng không kiêu ngạo, khoe khoang hay kể công khi làm việc tập thể. Từ việc học ngôn ngữ, con người có thể học được nhiều thứ hơn tưởng tượng của bản thân đấy.