Lịch sử ra đời của các chất liệu vải thuần Việt

Lụa, gấm và thổ cẩm là ba chất liệu vải thuần Việt được người nước ngoài rất tin dùng vì chất lượng tốt cũng như độ thẩm mỹ cao. Hàng năm, số lượng trang phục và phụ kiện được làm bằng lụa, gấm hay thổ cẩm Việt Nam được xuất khẩu và bán ra rất nhiều, đặc biệt tại thị trường châu Âu.

Lụa


Ai cũng biết, lụa là loại vật liệu được dệt từ tơ tằm và đã có rất lâu đời xuất phát từ Trung Quốc. Tuy nhiên, ít ai biết rằng nếu so với lụa của Việt Nam, lụa Trung Quốc khó có thể so bì về chất lượng. Trong những di chỉ khảo cổ cách nay khoảng 5000 năm (như di chỉ Bàu Tró, Đồng Hới, Quảng Bình), các nhà khoa học đã thấy có dấu vết của vải có dọi xe chỉ bằng đất nung. Các sách cổ Trung Quốc như Thủy kinh chú, Tam đô phú, Tề dân yếu thuật đều nói rằng trong giai đoạn đầu công nguyên, khi Trung Quốc một năm chỉ nuôi được 3 lứa tằm thì năng suất tằm ở Giao Chỉ, Nhật Nam, Lâm Ấp một năm đạt được tới 8 lứa. Để có được nhiều lứa tằm trong năm, tổ tiên ta đã lai tạo ra được nhiều giống tằm khác nhau phù hợp với các loại thời tiết nóng, lạnh, khô ẩm.
Tuy nhiên, sau cuộc chinh phạt của Hoàng đế phương Bắc làm thủ lĩnh, bí quyết nghề trồng dâu nuôi tằm nổi tiếng của các nước phương Nam đã bị người Trung Quốc tiếp thu và phát triển một cách nhanh chóng, nhưng vẫn không thể sánh với lụa của Việt Nam về chất lượng. Năm 1749, một người phương Tây tên là Poivre nhận xét: “Tơ lụa Đàng Trong so với Trung Quốc thì hơn hẳn về phẩm chất và sự tinh tế. Tơ đẹp nhất là của vùng Quảng Ngãi”.
Ông cha ta đã có câu ca dao “Làm ruộng ba năm không bằng chăn tằm một lứa; Làm ruộng ăn cơm nằm, nuôi tằm ăn cơm đứng” để chỉ đây là một nghề hết sức vất vả cực nhọc. Trồng dâu – nuôi tằm – lấy tơ – dệt vải. Mỗi một công đoạn đều đòi hỏi một sự đầu tư lớn về thời gian, công sức và sự cải tiến, sáng tạo mới có thể tạo ra những vuông lụa mịn màng, mượt mà, đẹp như ý. Công đoạn đầu tiên là nuôi tằm. Tằm được nuôi và chăm sóc rất cẩn thận từ khi còn rất nhỏ cho tới khi trưởng thành. Thức ăn của tằm là lá dâu, tuỳ vào độ tuổi của tằm mà chúng ta phải lựa từng loại lá dâu phù hợp, không quá già cũng như không thể quá non. Tằm lớn rất nhanh, khi bước sang giai đoạn ăn dỗi, chúng tiêu thụ một lượng thức ăn bằng 75-80% lượng thức ăn của cả đời. Tằm phải được cung cấp đủ thức ăn nếu không thì chúng sẽ không thể “chín” để làm kén được. Khi đã chín, tằm lên ổ làm kén và sau đó người ta sẽ đem chúng bỏ vào những khung đan sẵn để chúng nhả tơ và kéo kén. Khi chúng đã nhả hết tơ tạo thành những con kén vàng óng người ta sẽ phân loại kén để chuẩn bị cho việc kéo sợi. Kén được nấu trong nước sôi để loại bỏ chất cerixin, trong xơ chỉ còn lại fibrobin. Người thợ sẽ lấy vài sợi tơ chập lại với nhau kéo chúng ra và cho đi qua guồng xe tơ để tạo thành sợi. Và công đoạn cuối cùng là dệt lụa bằng phương pháp dệt thủ công. Những vuông lụa mới dệt xong gọi là lụa mộc, chỉ có màu trắng ngà của tơ, vẫn còn khô cứng vì còn keo sericin, qua công đoạn nhuộm màu, lụa sẽ có thêm nhiều sắc màu độc đáo.


Gấm


Tương tự như lụa, gấm được dệt từ tơ tằm, đã có mặt ít nhất là 5000 năm ở Trung Quốc và được truyền bá dần đến các nước Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ hay cả phương Tây. Riêng ở nước ta, nghề trồng dâu nuôi tằm cũng đã xuất hiện từ thời Hùng Vương.

Trong tất cả các loại hàng lụa dệt hoa, gấm là mặt hàng quý nhất, khó làm nhất trong số các mặt hàng tơ lụa. Ở Việt Nam, vải gấm được mệnh danh là bà chúa của các mặt hàng tơ lụa vì rất ít người nắm được kỹ thuật dệt. Theo truyền thuyết dân gian dưới thời Lê, làng Vạn Phúc là một trong những nơi dệt gấm nổi tiếng nhất của cả nước có đủ trình độ, sự tinh xảo để dệt được gấm dâng tiến vua và cung phi.

Khác với lụa, dệt gấm là khâu khó nhất, công phu hơn tất cả các loại lụa. Muốn dệt được tấm gấm nhiều màu sắc, người thợ phải dệt nổi từ một khung cửi được thiết kế làm 2 tầng, còn gọi là khung hoa. Đó là một thứ máy thủ công khá phức tạp sẽ được 1 người ngồi trên, 1 người ngồi dưới điều khiển nhịp nhàng, chính xác. Người ngồi trên kéo hoa, cứ khi nào con cuốn kêu hai tiếng éc e thì người ngồi dưới biết hiệu mà dệt cho đúng nhịp. Muốn cài hoa nổi, người thợ phải khéo léo luồn sợi như thêu trên máy dệt một cách công phu, đòi hỏi kỹ thuật, bàn tay tài hoa của người thợ.

Với cái khung cửi cổ truyền cùng đôi bàn tay vàng của người thợ thủ công thì không máy móc hiện đại nào có thể so sánh nổi. Vì vậy áo gấm chỉ mặc ban ngày mới được mọi người nhận thấy sự rực rỡ của nó. Trên thế giới, người ta gọi dệt gấm hoa hay còn gọi là kiểu dệt Jacquard. Kiểu dệt Jacquard tạo cho mặt vải có những trang trí kiểu hình học hoặc hình hoa, cho hai mặt vải khác nhau. Mặt phải là những hình dệt rõ nét, mặt trái mờ hơn. Trên thực tế, kiểu dệt Jacquard mà chúng ta thường nhìn thấy chính là các loại vải gấm hoa, lụa hoa của nước ta.

Thổ cẩm

Cho đến bây giờ, các nhà nghiên cứu vẫn chưa xác định được nghề dệt thổ cẩm hình thành và phát triển như thế nào trong quá trình lịch sử. Từ rất lâu đời, thổ cẩm đã trở thành một nét văn hóa chung của các dân tộc thiểu số Việt Nam. Chúng ta có đến 54 dân tộc với vô vàn kiểu trang phục truyền thống đa dạng nhưng điều làm nên kho tàng quý giá nhất cho nền văn hóa Việt nói chung và lĩnh vực thời trang Việt nói riêng chính là sắc màu rực rỡ của những vuông thổ cẩm.

Ở khu vực đồng bằng như đồng bằng Bắc bộ, đồng bằng duyên hải miền Trung, đồng bằng sông Cửu Long với điều kiện địa lý thuận lợi nên thường xuyên có sự giao lưu, tiếp biến văn hóa, cả trong xu hướng trang phục và thời trang. Còn ở các khu vực trung du, cao nguyên trải dài khắp đất nước, nơi sinh sống của 54 dân tộc anh em, do cách biệt về địa hình đồi núi nên hầu như vẫn giữ được những nét đặc trưng độc đáo của vải thổ cẩm trong các bộ trang phục truyền thống.

Để tạo ra được những tấm thổ cẩm đẹp, người phụ nữ phải tiến hành nhiều công đoạn khác nhau, bắt đầu từ việc trồng bông, kéo sợi, dệt vải, nhuộm chàm cho đến việc cắt may, thêu thùa… Nguyên liệu chính được sử dụng là bông vải. Bông vải thu hoạch theo mùa được đánh tơi xốp rồi kéo thành sợi. Một số dân tộc còn khai thác chất liệu vỏ cây (vỏ sui) kéo thành sợi. Thổ cẩm được dệt hoàn toàn bằng tay nên độ chặt, lỏng, mềm, cứng của sản phẩm đều theo ý muốn và khả năng của người làm ra nó. Họ có thể dệt nên những tấm thổ cẩm khác nhau để trang trí cho từng loại sản phẩm.

Màu nhuộm dành cho thổ cẩm có thể được tạo ra từ nhiều chất liệu thiên nhiên và phương pháp khác nhau:

– Màu đen: ngâm lá chùm bầu với bùn non từ ba đến bảy ngày đêm hoặc ngâm lá chàm.

– Màu nâu hoặc màu đỏ sẫm lấy từ các loại vỏ cây.

– Màu xanh: nung vỏ ốc suối thật khô, ngâm thành vôi rồi trộn với nước lá krum; hoặc ngâm lá chàm.

– Màu đỏ: giã vỏ cây krung già ra, nấu lên.

– Màu nâu đỏ: ngâm giấm vỏ cây sủi, đun sôi khoảng ba giờ và làm mát qua đêm, pha thêm phèn rồi ngâm sợi vải ở nhiệt độ 80 độ C

– Màu vàng: nhuộm từ củ nghệ. Sau khi nhuộm, sợi được phơi khô.

Người thợ nhuộm sử dụng một chiếc bàn chải (kruamrai), chải dọc theo cuộn sợi để gỡ sạch các vụn màu, vỏ cây.

Theo Elle Vietnam.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *