Trẻ được gia đình tổ chức lễ Shichi-go-san vào các mốc 3, 5, 7 tuổi; được tặng “kẹo nghìn năm” với mong muốn sống thọ và bình an.
Shichi-go-san là lễ hội được tổ chức vào tháng 11 hàng năm trên khắp Nhật Bản. Với nghĩa đen là “7 5 3”, Shichi-go-san nhằm kỷ niệm sự phát triển khỏe mạnh của trẻ ở một số độ tuổi nhất định và cầu nguyện cho sự bình an lâu dài.
Vào dịp Shichi-go-san, trẻ mặc trang phục truyền thống, cùng gia đình đến viếng thăm một ngôi đền ở địa phương, tham gia nghi lễ thanh tẩy theo Thần đạo (Shinto) – tôn giáo thuần Nhật.
Lễ Shichi-go-san thường được tổ chức cho bé gái lúc 3 và 7 tuổi, bé trai lúc 5 tuổi. Ảnh: All About Japan
Tại sao lại là 7-5-3?
Theo TW, nguồn gốc của Shichi-go-san vẫn chưa được xác định rõ ràng. Thông tin khá phổ biến cho rằng truyền thống này ra đời từ thời kỳ Heian (794-1185), nhưng chỉ dành riêng cho các thành viên hoàng gia và gia đình quý tộc.
Cũng có ý kiến Shichi-go-san được tổ chức lần đầu vào thời kỳ Muromachi (1336-1573). Trước đó, tỷ lệ tử vong ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ rất cao, khiến nhiều gia đình phải đợi đến khi con 3-4 tuổi mới thêm tên chúng vào sổ hộ tịch. Buổi lễ cho thấy sự biết ơn của cha mẹ khi con phát triển khỏe mạnh.
Đến thời kỳ Edo (1603-1868), truyền thống lan rộng qua cộng đồng samurai ở vùng Kanto đến những gia đình bình dân trên khắp Nhật Bản. Trong thời Minh Trị (1868-1912), Shichi-go-san trở thành một phần của văn hóa và nghi lễ chính thống.
Theo Thần số học (môn khoa học nghiên cứu ý nghĩa và tác động của các con số đối với đời sống con người), số lẻ được coi là biểu thị cho may mắn và tốt lành trong văn hóa Nhật Bản.
Thời hiện đại, người Nhật có xu hướng lý giải độ tuổi 7-5-3 theo các cột mốc về phát triển thể chất. Chẳng hạn, lúc ba tuổi, trẻ cải thiện đáng kể khả năng ngôn ngữ. Lên 5, tư duy logic trở nên rõ ràng hơn. 7 tuổi là thời điểm nhiều đứa trẻ bắt đầu thay răng sữa.
Các cột mốc quan trọng
Thời xưa, trẻ phải cạo đầu từ lúc sinh ra cho đến trước năm 3 tuổi. Khi đạt được độ tuổi này, trẻ bắt đầu được phép nuôi tóc. Do đó, sự kiện năm 3 tuổi được gọi là kamioki, có nghĩa “để nguyên mái tóc” và cho phép nó mọc ra.
Theo truyền thống, cả bé trai và bé gái đều tổ chức lễ kỷ niệm Shichi-go-san đầu tiên ở tuổi lên 3. Tuy nhiên, hiện nay thường chỉ có bé gái 3 tuổi ăn mừng ngày này.
Trẻ viếng đền thờ với bố mẹ trong dịp Shichi-go-san. Ảnh: JTBUSA blog
Lễ Shichi-go-san 5 tuổi chỉ dành riêng cho bé trai. Đây là lúc các bé bắt đầu mặc quần truyền thống hakama, đánh dấu tuổi khôn lớn. Sự kiện này được gọi là hakamagi, có nghĩa “mặc hakama”.
Tương tự, lễ Shichi-go-san 7 tuổi dành cho bé gái, được gọi là obitoki, khi các bé bắt đầu mặc trang phục gần với kimono truyền thống, có thắt lưng obi. Kimono thường có màu tươi sáng như đỏ hoặc hồng.
Mua kimono cho trẻ nhỏ được xem là khoản chi không cần thiết, vì trẻ sẽ lớn nhanh và không thể mặc lại. Do đó, hầu hết phụ huynh sẽ thuê kimono cho lễ Shichi-go-san.
Ý nghĩa của ngày 15
Các gia đình có thể viếng thăm đền thờ vào mọi ngày trong tháng 11, thậm chí đặt lịch sớm từ tháng 9 hoặc tháng 10, nhưng ngày lễ chính thức là 15/11. Do đây không phải ngày lễ quốc gia, các gia đình sẽ lựa ngày thích hợp nhất, thường là cuối tuần trước hoặc sau ngày 15.
Ngày 15 được chọn từ thời Edo, do đại tướng quân Tsunayoshi Tokugawa (thường được gọi là Oinusama) muốn tổ chức lễ Shichi-go-san cho con trai Tokumatsu vào đúng ngày này, và dần dần những người khác cũng bắt chước. Một lý do chính để đại tướng quân chọn ngày 15 là nó rơi vào ngày kishukunichi, có nghĩa đen là “ngày lũ quỷ ở nhà”.
Ngoài ra, theo lịch âm truyền thống, tháng 11 là tháng mùa thu dành để cảm ơn các vị thần mang lại mùa màng tốt tươi trong năm. Ngày 15 của tháng sẽ là ngày trăng tròn, do đó người dân cũng muốn cảm ơn các vị thần vì đã để cho những đứa trẻ sống khỏe mạnh và trọn vẹn đến độ tuổi nhất định.
15 còn là tổng của các số 7, 5, 3, và cũng là số lẻ.
Kẹo nghìn năm
Trong dịp Shichi-go-san, trẻ sẽ được cha mẹ, ông bà hoặc hàng xóm tặng những que kẹo dài chitose ame, có nghĩa “kẹo nghìn năm”. Số kẹo được xác định bằng số tuổi của trẻ. Kẹo hình que, làm từ gạo nếp, lúa mạch và nước, có màu đỏ và trắng. Đây là hai màu sắc may mắn ở Nhật Bản, thường dùng trong các lễ kỳ niệm.
Kẹo chitose ame. Ảnh: TW
Kẹo được đựng trong túi trang trí hình rùa và chim hạc, biểu tượng quen thuộc của văn hóa Nhật, tượng trưng cho sự trường thọ. Chữ in trên túi thường là kotobuki (vừa có nghĩa chúc mừng, vừa có nghĩa sống lâu), shochikubai (thông, tre, mận – ba thứ khi nhóm lại với nhau sẽ có ý nghĩa tốt lành), Tsuru wa sennen, kame wa mannen (một con chim hạc sống được 1.000 năm, một con rùa sống được 10.000 năm).
Ngày nay, các bà mẹ cũng có thể trao đổi quà cho nhau, thay lời cảm ơn vì đã giúp trông nom con của mình.
Giống mọi lễ hội khác, Shichi-go-san là mùa cao điểm của các studio, nhiếp ảnh gia, nhà hàng, cửa hàng quà tặng… Các thành viên trong gia đình sẽ nhân cơ hội này chụp thật nhiều ảnh để kỷ niệm sự kiện đặc biệt trong chặng đường trưởng thành của trẻ.
Các đền thờ phổ biến để quan sát nghi lễ ở Tokyo là Meiji Jingu ở Harajuku, đền Hie ở Asakusa và đền Kanda Myojin ở Ochanomizu.