Sumire Nakamura bắt đầu chơi cờ vây từ năm 3 tuổi và sẽ chuyển sang chơi chuyên nghiệp vào tháng 4 tới, khi em tròn 10 tuổi.
Sumire Nakamura, 9 tuổi, đang học tại một trường tiểu học ở Osaka, là học viên xuất sắc của chương trình huấn luyện đặc biệt nhằm thúc đẩy sự phát triển của môn cờ vây cổ xưa, giúp Nhật Bản cạnh tranh với Hàn Quốc và Trung Quốc, The Guardian ngày 7/1 đưa tin.
Sumire Nakamura chụp ảnh cùng kỳ thủ cờ vây nổi tiếng Nhật Bản Yuta Iyama. Ảnh: Guardian
Sumire được sinh ra trong một gia đình có bố là kỳ thủ cờ vây chuyên nghiệp, từng giành được một danh hiệu quốc gia vào năm 1998 và cũng là một trong những học viên của chương trình huấn luyện đặc biệt nhằm nuôi dưỡng thế hệ kỳ thủ hàng đầu Nhật Bản, giúp quốc gia này cạnh tranh ở các giải đấu quốc tế. Shinya, bố của Sumire, đã khuyến khích em tham gia môn thi đấu trí tuệ này.
Nhờ sự định hướng của gia đình, Sumire bắt đầu chơi cờ vây từ năm 3 tuổi. Em đã được thi đấu ở các giải dành cho học sinh và gần đây có được mài giũa khả năng cạnh tranh ở Hàn Quốc.
Vào ngày 1/4 tới đây, khi tròn 10 tuổi, Sumire sẽ bước vào con đường thi đấu chuyên nghiệp ở cấp bậc thấp nhất của bảng phân hạng. Em sẽ trở thành kỳ thủ cờ vây chuyên nghiệp trẻ nhất Nhật Bản. Trước đó, kỷ lục này được xác lập 9 năm trước bởi Rina Fujisawa khi cô 11 tuổi 6 tháng.
Theo Reuters, anh Shinya, bố của Sumire, cũng không nghĩ con sẽ thi đấu chuyên nghiệp sớm như vậy. “Sumire giành được những thành tích này là nhờ giáo viên hướng dẫn và cả những người đã ủng hộ cháu”, anh nói.
Nhận được sự khuyến khích từ các quan chức của Hiệp hội cờ vây Nhật Bản và bố mẹ, Sumire đã vượt qua sự rụt rè ban đầu của mình để chia sẻ với báo giới. “Con rất hạnh phúc mỗi khi giành được chiến thắng. Con muốn giành được một danh hiệu khi là học sinh THCS”, cô bé chia sẻ.
Cờ vây là môn thi đấu đòi hỏi người chơi phải kiểm soát lãnh thổ trên bàn cờ. Môn này có nguồn gốc từ Trung Quốc cách đây hơn 2.500 năm và ước tính có khoảng 20 triệu người chơi, chủ yếu đến từ các nước Đông Á.
Những người hâm mộ cờ vây ở xứ sở hoa anh đào hy vọng sự xuất hiện “phi thường” của Sumire sẽ thúc đẩy quá trình phát triển của môn này ở Nhật Bản.