Việt Nam và Nhật Bản là hai nước mang đậm nét văn hoá Á Đông và cũng là hai nền văn hoá thuộc nhóm giàu ngữ cảnh trên thế giới. Tuy nhiên, khi so sánh giữa Việt Nam và Nhật Bản có thể thấy một cách tương đối văn hóa Nhật Bản vẫn giàu ngữ cảnh hơn và văn hoá Việt Nam nghèo ngữ cảnh hơn. Sự khác biệt này đôi khi có thể gây nên những mâu thuẫn nghiêm trọng khi người ta làm việc cùng nhau.
1. Khái niệm “nền văn hoá giàu ngữ cảnh” và “nền văn hoá nghèo ngữ cảnh”
Khái niệm “nền văn hoá giàu ngữ cảnh” và “nền văn hoá nghèo ngữ cảnh” được đưa ra bởi nhà nhân chủng học Edward T. Hall lần đầu tiên vào năm 1959 trong cuốn sách The Silent Language.
Sự khác nhau giữa hai nền văn hoá này là chủ yếu nằm ở chỗ bối cảnh đóng vai trò quan trọng như thế nào trong quá trình giao tiếp giữa con người với con người. Theo đó, trong nền văn hoá giàu ngữ cảnh thì ngữ cảnh đóng vai trò quan trọng, trong khi trong nền văn hoá nghèo ngữ cảnh thì vai trò của ngữ cảnh kém quan trọng hơn. Có thể tóm tắt một số đặc trưng của hai nền văn hoá này như sau:
Nền văn hoá giàu ngữ cảnh:
– Chủ yếu truyền đạt thông tin bằng các phương pháp phi ngôn ngữ như biểu hiện khuôn mặt, ánh mắt, giọng nói
– Tình huống, con người và các yếu tố phi ngôn ngữ được xem xét quan trọng hơn cả từ ngữ được nói ra trong khi đối thoại
– Cách giải quyết vấn đề thường là ở trong nhóm
– Các thành viên coi trọng các mối quan hệ lẫn nhau
– Phải có niềm tin trước khi thực hiện các giao dịch thương mại
Nền văn hoá nghèo ngữ cảnh:
– Chủ yếu truyền đạt thông tin thông qua ngôn từ
– Thông điệp bằng lời nói quan trọng hơn những biểu hiện phi ngôn ngữ khác
– Công việc hoặc mục tiêu thường quan trọng hơn các mối quan hệ
– Quyết định và hành động tập trung vào mục tiêu và thường có sự phân chia trách nhiệm
Chính vì sự khác nhau như vậy giữa 2 nhóm nền văn hoá kể trên, mà trong quá trình giao tiếp thường nảy sinh mâu thuẫn hoặc hiểu lầm giữa những người đến từ nhóm nền văn hoá khác nhau.
2. “Đọc không khí” – kỹ năng cần thiết trong nền văn hoá giàu ngữ cảnh
Trong quá trình giao tiếp tại Nhật Bản, mỗi cá nhân thường được yêu cầu phải “đọc không khí” (kuuki wo yomu) để được coi là một người có năng lực làm việc. Kỹ năng “đọc không khí” này ở cấp độ thấp là việc có những biểu hiện phù hợp với không khí xung quanh. Tức là, khi bạn vào một căn phòng mà mọi người đều đang căng thẳng, dù không hiểu chuyện gì xảy ra, bạn cũng nên “đọc không khí” và có biểu hiện phù hợp với không khí căng thẳng chung trong phòng.
Ở Nhật có cụm từ TPO (Time – Place – Occasion) cũng để chỉ việc phải có tác phong, trang phục phù hợp với thời gian, địa điểm, tính chất của sự kiện.
Mình đã gặp nhiều trường hợp trong đó các bạn Việt Nam đã không thể hiện tốt khả năng đọc không khí này và không tạo được thiện cảm đối với các đồng nghiệp người Nhật. Một tình huống điển hình mình có thể kể ra ở đây là khi khách hàng đang khiếu nại và có thái độ bực tức với một thành viên của nhóm. Những người nhân viên Việt Nam có mặt tại đó tuy đứng không quá xa người khách hàng bực tức nhưng dường như lại không mấy quan tâm đến “sự căng thẳng” giữa khách hàng và đồng nghiệp của mình. Họ thậm chí còn cười đùa với nhau khá vô tư. Với văn hoá Việt Nam, đây có thể là điều chấp nhận được. Nhưng đối với văn hoá doanh nghiệp Nhật, những người không đọc được bầu không khí chung và có biểu hiện phù hợp được coi là “không biết làm việc”.
Khi mình giải thích lại cho những người Việt Nam về cách suy nghĩ của người Nhật trong tình huống này, họ thậm chí còn cho rằng đó là việc của người đồng nghiệp kia có lỗi, không liên quan đến việc của mình. Khi bị trưởng nhóm phản ánh về thái độ, thông thường người Việt Nam chúng ta sẽ cho rằng đó là “giận cá chém thớt”, nhưng người Nhật lại nghĩ đó là thiếu năng lực “đọc không khí”. Sự khác biệt này thường khiến người Việt Nam cảm thấy ức chế và cho rằng mình bị đối xử thiếu công bằng.
Ngoài ra, “đọc không khí” ở mức độ cao hơn còn có nghĩa là bạn phải lắng nghe và hiểu được những gì không được nói ra. Tuy cả người Việt Nam và người Nhật đều coi trọng những phẩm chất này, nhưng ở Nhật Bản đây được coi như là một kỹ năng cơ bản của một shakaijin, một người khi ra xã hội.
3. Một vài ví dụ về kỹ năng “đọc không khí”
Để các bạn hiểu rõ hơn về việc phải nghe những gì không được nói ra là thế nào, mình xin chia sẻ một chút về một trường hợp đã nhiều lần xảy ra ở văn phòng mình. Khi sếp mình ra ngoài và quay trở lại văn phòng, ông có hỏi một nhân viên người Việt ở văn phòng, “Nguyen-san, anh có nóng không?”. Bạn Nguyen đã trả lời “không, tôi không nóng”. Trong khi đó, những bạn Nhật khác đi bật điều hoà và có sự đồng tình với sếp “hôm nay nóng quá nhỉ?”.
Mình cũng đã gặp một trường hợp khác, một anh kỹ sư người Nhật và người Việt cùng chuẩn bị máy móc dụng cụ để ra hiện trường. Nhân viên người Nhật và cũng là sempai trong công ty cầm chiếc camera lên và nói rằng “máy sắp hết pin rồi”. Nhân viên người Việt Nam chỉ có sự đồng tình và không nói gì. Cho đến khi ra đến hiện trường và sempai người Nhật phát hiện ra nhân viên người Việt Nam không mang theo pin dự phòng và có nổi giận vì lý do đã dặn mang theo pin dự phòng. Còn nhân viên người Việt Nam thì vẫn khăng khăng là không được dặn như vậy khiến cho nhân viên người Nhật cảm thấy mệt mỏi, còn nhân viên người Việt thì cảm thấy áp lực trong công việc.
Đây là 2 trong số rất nhiều tình huống điển hình thường xảy ra ở các bối cảnh công sở tại Nhật Bản. Do thiếu kỹ năng “nghe những thông tin không được nói” nên đa số người Việt Nam và người Nhật khi làm việc thường có nhiều vấn đề tương tự xảy ra khiến cho không khí làm việc căng thẳng hơn.
Hay trong một số trường hợp không được rõ ràng như ví dụ đã nói ở trên, người Nhật thường dùng những cách nói khác nhau để ngụ ý một việc. Ví dụ, họ có thể nói ~した方がいいですよ (nên làm gì đó ~) hoặc 〜 したら良いね (nếu mà làm ~ thì tốt nhỉ) nhưng trong đó lại có hàm ý là “bạn phải làm việc đó đi”. Đó không còn là lời khuyên trong một số văn cảnh, mà lại được ngầm hiểu là mệnh lệnh hoặc chỉ thị từ cấp trên.
4. Kết
Trong những tình huống như thế này, khi phải đứng ra để giúp 2 bên giải đáp khúc mắc, mình vẫn thường phải nói với những nhân viên người Nhật là nên chọn lựa các cách nói bằng câu dạng mệnh lệnh thức để giúp người Việt Nam nhận thông tin được chính xác hơn.
Và về phía người Việt Nam, phải thường xuyên xác nhận lại thông tin ngay khi có những điều cảm thấy aimai (mập mờ, không rõ ràng). Tất nhiên không phải trường hợp nào cũng cần xác nhận lại bằng câu hỏi, mà đôi khi chỉ cần là “Vâng, vậy để tôi lấy thêm pin dự phòng đi” là cũng đủ để đối phương yên tâm hơn nhiều rồi đúng không nào?