Xã hội ngày càng phát triển, mở rộng và giao thoa, trên các con phố Hà Nội nay tràn ngập các quán cà-phê sang trọng, bài trí bắt mắt, là nơi mọi người gặp gỡ, giao lưu, trao đổi công việc,… “Ði cà-phê” trở thành cụm từ quen thuộc để gọi những cuộc hẹn hò. Ðến đó, khách không chỉ được nghe, được ngắm, chuyện trò và được thưởng thức đủ thức uống ngon lành và sành điệu, với phong cách phục vụ chuyên nghiệp và hiện đại. Ðó là vận hành tất yếu của cuộc sống thời công nghệ số, cho con người quen với tiện ích và đổi thay… Nhưng đi cạnh những hào nhoáng đô hội đó còn không ít người hoài cổ, hay tìm về những góc quán xưa bình lặng. Ở đó, họ được sống với bao nhiêu kỷ niệm, với lắng đọng tâm hồn, với những khoảnh khắc bình yên khởi đầu ngày mới.
Với nhiều người Hà Nội, uống cà-phê đầu ngày như một cách tiếp nhận năng lượng cho cả ngày làm việc, hay đơn giản chỉ là uống theo thói quen, sở thích. Họ tìm đến góc cũ, quán quen, lặng lẽ nhâm nhi tách cà-phê đắng mà cảm như rất đỗi ngọt ngào. Không ồn ào, náo nhiệt, khi với bạn, khi chỉ có một mình để có những phút giây thật sự thư thái và lắng nghe cuộc sống. Ở những góc quán ấy chẳng mấy lúc bị quá tải âm thanh, chẳng bóng bẩy bởi đồ dùng sang trọng. Ở nơi ấy có những mảng tường cũ kỹ treo những tấm ảnh, bức tranh gợi nhiều kỷ niệm về Hà Nội của một thời. Bàn ghế đơn sơ, tách cà-phê giản dị được làm từ chất liệu gốm hay thủy tinh không nặng về giá trị vật chất, nhưng là giá trị về tinh thần, không thể đong đếm. Trong không gian không quá nhiều ánh sáng, âm thanh ấy, mỗi người thưởng thức tách cà-phê theo cách của riêng mình cùng những suy tư về quá khứ, hiện tại theo trải nghiệm của chính mình…
Người yêu cà-phê Hà Nội ai cũng quen tên những quán cà-phê đã đi cùng 36 phố phường cả nửa thế kỷ qua. Những quán cà-phê mang tên người chủ cũ – chỉ một chữ thôi mà đã tới thì muốn quay lại, đã đi xa lại muốn trở về. Cà phê Giảng trước “thu mình” trên phố Hàng Gai, nay có ở ngõ sâu trên phố Nguyễn Hữu Huân. Cà-phê Ðinh chật hẹp trên gác hai phố Ðinh Tiên Hoàng. Cà-phê Lâm ở phố Nguyễn Hữu Huân. Cà-phê Nhĩ ở con phố nhỏ Hàng Cá. Cà-phê Năng lọt thỏm giữa phố Hàng Bạc… Những quán cà-phê mang sắc màu thời gian với những hoài niệm về Hà Nội không ở trong hiện tại. Mỗi quán cà-phê ấy vẫn giữ nguyên bản sắc của quán mình, không cầu kỳ trong trưng bày, sắp đặt, mang nét văn hóa truyền thống của người Hà Nội phố, với cách pha chế đồ uống rất riêng, đặc biệt là cà-phê với công thức gia truyền, đã thưởng thức một lần là nhớ mãi. Nhớ đến cà-phê trứng thì có lẽ chẳng ai không nhớ Giảng, nơi khai sinh thức uống đặc biệt này. Vị ngậy ngậy của trứng gà tươi được đánh thành kem, quyện trong vị cà-phê truyền thống, nếu muốn, khách có thể yêu cầu thêm vị đậu xanh hay ca-cao tùy thích. Cà-phê Nhĩ với cách rang xay, pha chế của riêng mình và đựng trong ấm tích. Cà-phê Lâm có công thức gia truyền không lẫn với bất kỳ thương hiệu nào và những câu chuyện thú vị về điểm hẹn của các văn nghệ sĩ lừng danh đất Hà thành hơn nửa thế kỷ trước… Người yêu hội họa có thể thấy phố xưa Hà Nội và chân dung các văn nhân, họa sĩ, nhạc sĩ trong nét vẽ của các tượng đài hội họa Việt Nam như Bùi Xuân Phái, Dương Bích Liên, Võ Tư Nghiêm, Nguyễn Sáng… Trong không gian ấy, cuộc sống như chậm hơn, con người thảnh thơi hơn và phố phường bớt ồn ào hơn. Những góc quán nhỏ như thế vẫn là nơi để bất kỳ ai yêu Hà Nội muốn trở về…
Hà Nội nay biết bao thay đổi, to đẹp hơn, hiện đại hơn, nhưng vẫn không thể thiếu vắng một Hà Nội xưa trong tâm hồn những người yêu Thủ đô ở sự sâu lắng, trầm mặc của những phố nhỏ, ngõ nhỏ và những yêu thương vẫn nguyên ở đó chẳng phai…
Bài từ Lê Vy.