Trước bộ phim “Em gái đến từ tương lai”, điện ảnh Nhật Bản đã cho ra đời nhiều kiệt tác anime hướng đến trẻ em với thế giới tưởng tượng đầy màu sắc, giàu tính triết lý.
Spirited Away – Vùng đất linh hồn (đạo diễn Miyazaki Hayao, 2001): Đây là bộ phim anime thành công nhất trong lịch sử Nhật Bản với doanh thu lên tới 274 triệu USD trên toàn thế giới và nhận được rất nhiều lời khen ngợi. Đây là tác phẩm duy nhất đến từ xứ sở hoa anh đào giành giải thưởng Phim hoạt hình xuất sắc của Oscar. Phim cũng nằm trong top 100 phim xuất sắc nhất mọi thời đại. Spirited Away là hành trình phiêu lưu của cô bé 10 tuổi Chihiro ở vùng đất của những linh hồn. Miyazaki đã tạo ra một thế giới với nhiều nhân vật có chiều sâu, nhiều sự kiện và câu chuyện ly kỳ không tưởng. Phim là một trong những giấc mơ kỳ ảo và xinh đẹp nhất mà Miyazaki nói riêng và Studio Ghibli nói chung mang đến cho nhiều thế hệ, không chỉ riêng lứa tuổi trẻ em.
The Cat Returns – Sự trả ơn của bầy mèo (đạo diễn Hiroyuki Morita, năm 2002): Bộ phim anime do hãng Studio Ghibli thực hiện kể về Haru, cô bé học sinh trung học 17 tuổi rụt rè. Haru vô tình cứu chú mèo khỏi bị xe tải cán khi băng qua đường. Chú mèo đó lại chính là Hoàng tử của Vương quốc Mèo. Để trả ơn cô, đức vua quyết định cả vương quốc sẽ làm mọi thứ để đáp lại lòng tốt của Haru. Thật không may là không một “món quà” nào phù hợp với con người và thêm rắc rối là cô buộc phải cưới vị hoàng tử mèo. Vương quốc với nhiều loài mèo đa màu đa sắc, thú vị cùng câu chuyện nhẹ nhàng hài hước khiến không chỉ trẻ em mà cả người lớn cũng thích thú.
Howl’s Moving Castle – Lâu đài di động của pháp sư Howl (đạo diễn Miyazaki Hayao, 2004). Bộ phim thuộc Studio Chibli, dựa trên tiểu thuyết cùng tên của Diana Wynne Jones là một trong những bộ phim hoạt hình Nhật Bản thành công nhất lịch sử, được đề cử giải Oscar cho Phim hoạt hình hay nhất tại Oscar lần thứ 78 và thu về khoảng 231,7 triệu USD trên toàn thế giới. Phim kể về cô bé Sophie, thợ làm mũ bị lời nguyền của mụ phù thủy già nên biến thành bà lão 90 tuổi với mái tóc bạc trắng. Cô gái trẻ gan dạ nhanh chóng dẹp bỏ nỗi sợ hãi, chấp nhận sự thay đổi và bắt đầu chuyến phiêu lưu mới. Ở trên tòa lâu đài di động khổng lồ, cô gặp và yêu chàng phù thủy Howl. Nỗ lực hóa giải lời nguyền của Sophie cũng đồng thời là quá trình cô tìm lại trái tim đã đánh mất của Howl.
Tekkonkinkreet (đạo diễn Michael Arias, 2006): Dựa trên series manga ngắn cùng tên, Tekkonkinkreet – tác phẩm đầu tay do Michael đạo diễn giành được nhiều giải thưởng về mặt nội dung lẫn nghệ thuật. Phim mở ra phong cách anime mới mẻ vừa trung thành với những tạo hình nhân vật 2D nguệch ngoạc giản dị vừa tinh tế, sâu sắc. Hai đứa trẻ trong phim như hai ngọn cỏ lay lắt nương nhau để tồn tại dưới đáy xã hội dù bị lãng quên. Cuộc sống của chúng xáo trộn khi những kẻ ngoại lai xuất hiện tuyên bố muốn thay da đổi thịt thị trấn này. Kuro và Shiro bước vào cuộc chiến với thế lực hắc ám mới để bảo vệ thị trấn của chúng, nhưng thật ra lại là cuộc chiến giữa ánh sáng và bóng tối trong con người.
Ponyo – Cô bé người cá Ponyo (đạo diễn Miyazaki Hayao, năm 2008): Bộ phim anime thực hiện bởi Studio Ghibli xoay quanh nàng tiên cá Ponyo, con gái vua biển cả trốn khỏi gia đình dưới đại dương. Tình cờ khi lên tới mặt biển, Ponyo được cậu bé Sousuke nhặt được khi đang bị vướng vào một cái chai. Sousuke đem Ponyo về nuôi và cô bé đã giúp chữa lành vết thương trên tay cậu bé. Lúc liếm vào vết thương của Sousuke, Ponyo đã nuốt máu người và trở nên mạnh mẽ không ngờ, có thể biến hóa tay chân tùy ý. Cùng lúc trở thành người thì năng lực đặc biệt của Ponyo cũng từ từ biến mất.
The Secret World of Arrietty – Thế giới bí ẩn của Arrietty (đạo diễn Yonebayashi Hiromasa, 2010): Anime kỳ ảo này đã đoạt giải Phim hoạt hình của năm tại lễ trao giải Viện Hàn lâm Nhật Bản lần thứ 34 và được đánh giá là một trong những tác phẩm xuất sắc nhất của Studio Ghibli. Doanh thu của phim còn thắng lớn ở thị trường thế giới, trở thành phim có doanh thu phòng vé cao nhất Nhật Bản năm 2010. Lòng quả cảm của cô bé tí hon Arrietty chính là bài học lớn về sự kiên cường cho những con người gặp bất hạnh. Nhờ cuộc gặp gỡ kỳ diệu này, cậu bé Sho đã có thêm niềm tin, mạnh mẽ đối diện với ca phẫu thuật. Câu chuyện của Arriety phảng phất chút hồn nhiên của trẻ thơ và cách nhìn của người lớn về thế giới với một góc độ hoàn toàn khác, giúp phim chạm đến trái tim của nhiều lứa tuổi.
A letter to Momo – Thư gửi Momo (đạo diễn Okiura Hiroyuki, 2011): Phim xoay quanh câu chuyện cảm động đan xen nét hài hước, đáng yêu với tinh thần nhân đạo sâu sắc. Tác phẩm được dịch ra nhiều thứ tiếng và công chiếu ở nhiều nước. Phim được trao giải xuất sắc tại Liên hoan Nghệ thuật truyền thông Nhật Bản năm 2011 hạng mục anime. Phim theo chân cô bé Momo từ Tokyo cùng mẹ chuyển đến sống trên hòn đảo nhỏ. Hành trang của cô bé khi đặt chân tới đây chính là nỗi đau mất cha, sự hối hận vì đã cãi nhau với ông vào lần gặp nhau cuối cùng. Ở nơi đây, Momo gặp ba con yêu quái rắc rối. Sự xuất hiện của chúng làm xáo trộn thế giới tràn ngập u buồn của cô bé, giúp cô lấy lại sinh khí, thoát khỏi mặc cảm và dũng cảm bắt đầu cuộc sống mới.
Wolf Children – Những đứa con của sói (đạo diễn Hosoda Mamoru, 2012): Phim là câu truyện cổ tích tuyệt vời về gia đình nhỏ, giấu một bí mật lớn xuyên suốt 13 năm kể từ khi cô sinh viên Hana gặp gỡ và phải lòng anh chàng người sói. Sau khi kết hôn, Hana sinh được hai đứa bé người sói. Khi chồng cô đột ngột qua đời, Hana quyết định chuyển đến một thị trấn hẻo lánh cách xa thành phố và một mình nuôi dạy hai con. Cô vừa nhẫn nại chăm sóc, bảo vệ chúng khỏi hiểm nguy vừa dạy chúng về thế giới xung quanh và tiếp nhận bản tính thật dù là người hay sói. Ngoài tình mẫu tử cao đẹp, phim còn khắc họa tình yêu thiên nhiên, cuộc sống và quan trọng là chấp nhận sự khác biệt ở mỗi người.
The Tale of Princess Kaguya – Nàng công chúa Kaguya (đạo diễn Takahata Isao, 2013): Takahata Isao đã truyền tải câu chuyện dân gian Nàng tiên ống tre vừa mộc mạc vừa có chiều sâu cảm xúc, xóa nhòa giới hạn của những đường vẽ. Như Mononoke, như Chihiro và nhiều nhân vật nữ khác của Ghibli Studio, Kaguya cũng là cô gái đến tuổi trưởng thành trên hành trình đi tìm chính mình. Trên nền chuyện xưa tích cũ, phim được thổi vào luồng gió mới, tư tưởng hiện đại giữa bối cảnh phong kiến cổ xưa. Phim thuộc thể loại cổ tích, thần thoại, nhiều màu sắc nhưng cũng giàu tính hiện thực và thích hợp cho mọi lứa tuổi. Phim nhận đề cử Phim hoạt hình xuất sắc nhất tại giải Oscar lần thứ 87 .
The Boy and the Beast – Cậu bé và Quái thú (đạo diễn Hosoda Mamoru, năm 2015): Câu chuyện xoay quanh chuyến hành trình của cậu bé Ren mới chỉ 9 tuổi khi mẹ qua đời và bị người cha bỏ rơi. Chú bé có bản tính mạnh mẽ và ngang bướng quyết định bỏ nhà ra đi. Trong một lần lang thang ở khu Shibuya, Ren lạc vào thế giới song song Juutengai – nơi tồn tại các loài siêu thú khổng lồ có khả năng nói chuyện như con người. Tại đó, cậu gặp gỡ Kumatetsu (Kōji Yakusho), linh thú mang hình hài gấu và đang tìm kiếm truyền nhân. The Boy and the Beast nhận vô số lời khen ngợi nhờ phần đồ họa cuốn hút và cách kể chuyện thuyết phục. Các nhà phê bình tại xứ sở hoa anh đào đánh giá rất cao bộ phim và so sánh The Boy and the Beast với câu chuyện kinh điển Cậu bé rừng xanh hay sự màu nhiệm giống với loạt Harry Potter, với trung tâm cũng là câu chuyện về sự trưởng thành.