Giữa lòng Sài Gòn nhộn nhịp vốn không hề thiếu chỗ ăn chơi. Nhưng khi đã chán ngán những khu đô thị sầm uất, khu tổ hợp đông người, những tòa nhà với kiến trúc đồ sộ, chúng tôi quyết định thử một ngày lẩn trốn vào một Nhật Bản bé nhỏ yên bình ngay giữa lòng Sài Gòn. Đó chính là khu phố Nhật Lê Thánh Tôn giữa lòng quận 1 nhộn nhịp.
Nơi tập trung những hàng quán kiểu Nhật đúng điệu nhất
Nhắc đến Nhật Bản, người ta ấn tượng không chỉ bởi phong cảnh đẹp đẽ nhẹ nhàng mà còn bởi những món ăn đặc trưng đầy đủ hương sắc. Từ khi khu phố Nhật Lê Thánh Tôn hình thành và phát triển đến hôm nay, những món ăn quen thuộc nơi xứ hoa anh đào cũng có mặt gần như đầy đủ ở nơi này. Từ takoyaki, okonomiyaki đến sushi, ramen, udon,… Hương vị có thể không hoàn hảo như ở nơi sinh ra nó, nhưng để người bản xứ nguôi đi phần nào nỗi nhớ nhà, người ta vẫn cố hết sức để thổi trọn vẹn cái hồn của ẩm thực Nhật Bản vào những món ăn ấy.
Chiếc lồng đèn đỏ treo trước cửa cùng rèm che bay thoảng trong gió của nhà hàng Sakura Takoyaki đã phảng đến một chút gì đó rất Nhật khi chúng tôi vừa bước vào hẻm 15B. Cô chủ nhà hàng cho biết nguyên liệu làm bánh, khay nướng bánh cho đến cả cây xoay bánh đều được chuyển từ Nhật về.
Đối diện Sakura là cửa hàng ramen với cánh cửa gỗ sơn nâu. Đây là một trong những cửa tiệm chúng tôi thích nhất trên con đường này. Bước vào trong và khẽ khép cánh cửa lại, thưởng thức tô mì ramen giữa tiết trời cuối xuân đầu hạ, bạn sẽ có cảm giác như thể mình đã xuyên ngàn dặm đến thẳng xứ sở hoa anh đào rồi. Phía sau cánh của kính ấy là những đôi tay đang thoăn thoắt làm mì. Và khi chúng tôi chụp ảnh từ bên ngoài, họ còn ngẩng đầu lên cười khẽ thay cho một lời chào.
Điểm đặc biệt là mọi cửa hàng trong khu phố này đều được trang trí theo phong cách “rất Nhật”: Tông màu gỗ trầm ấm, rèm che cửa bằng vải, những chiếc đèn lồng treo trước nhà,… Tất cả đều mang vẻ trầm lắng, dịu dàng, ấm cúng khác hẳn những khu phố tấp nập khác ở Sài Thành.
Ngoài các hộ kinh doanh, khu phố này còn là nơi sinh sống của hơn 300 người Nhật hiện đang công tác ở Việt Nam. Vậy nên không khí ở đây không hề ồn ào mà rất yên tĩnh, nhẹ nhàng.
Địa điểm và thời gian tốt nhất để du hí “Nhật Bản của Sài Thành”?
Khu phố Nhật Lê Thánh Tôn thì hiển nhiên phải tọa lạc trên đường Lê Thánh Tôn rồi. Đây cũng chính là con đường mà rất nhiều người Nhật chọn làm nơi làm việc và sinh sống. Thế nên, chỉ chưa đầy 2 km từ Lê Thánh Tôn, vào hẻm 15A hoặc 15B, vào những con đường nhỏ như Thi Sách,… bạn sẽ rất dễ dàng bắt gặp những biển hiệu song ngữ Nhật – Việt và cả những người Nhật đi lại trên đường.
Tuy mọi người biết nhiều đến khu này với tên gọi phố Nhật Lê Thánh Tôn nhưng không hẳn chỉ vào được đây từ đường này. Để vào được khu phố, bạn có thể đi từ nhiều hướng vì các con hẻm đều thông nhau. Nhưng tiện di chuyển nhất, hãy gửi xe ở Thi Sách rồi đi bộ vào từ hẻm 15B Lê Thánh Tôn hoặc hẻm số 8 Thái Văn Lung. Con hẻm khá quanh co và hẹp, có những con hẻm khá tối do nhà cao khuất nắng nên tốt nhất bạn nên ghé thăm vào khoảng từ 8 giờ sáng đến trước 4 giờ chiều, vì đây là thời điểm cho ánh nắng trời đẹp nhất, rất tiện cho việc sản xuất những bộ ảnh để đời.
Phố Nhật Lê Thánh Tôn là một trong những nét đặc trưng của Sài thành mà không nơi nào khác trên đất Việt có. Chính khu phố này đã thổi một luồng gió mới rất đỗi dịu dàng vào nhịp sống hối hả của người Sài Gòn, để họ có sự lựa chọn khác cùng bạn bè mỗi khi thấy cuộc sống quá vội vã, và cũng để những người Nhật xa xứ nguôi ngoai bớt nỗi nhớ nhà trong chuyến đi xa.
Tác giả: Mèo Du Ký