LỜI THÚC GIỤC CỨU LẤY TRÁI ĐẤT CỦA ÔNG LÃO 94 TUỔI DAVID ATTENBOROUGH

“David Attenborough: A Life on Our Planet” là lời khai thống thiết về những gì con người gây ra cho Trái Đất trong một đời người, dưới con mắt của nhân chứng sống.

Một trong những cảnh phim xót xa nhất của David Attenborough: A Life on Our Planet là khi máy quay cho thấy cả một rừng cây tại Indonesia bị đốn trụi để trồng cọ dầu. Trên ngọn cây cuối cùng trơ trọi giữa bãi đất trống, con đười ươi bối rối leo lên rồi không biết đi đâu nữa. Trong phút chốc, tương lai của nó biến mất.

Trong hơn 60 năm hoạt động vì môi trường, David Attenborough đã chứng kiến không ít điều kỳ diệu cùng vô số thảm kịch tự nhiên. Rất nhiều trong số đó xảy đến bởi sự can thiệp của con người.

Thế giới phong phú và nguyên sơ đã nhường chỗ cho đô thị hóa, và sự thay đổi đến chóng mặt ấy được kể lại qua lời kể của nhân chứng sống là nhà vận động môi trường 94 tuổi trong bộ phim tài liệu của Netflix.

Lời tri ân cho giới tự nhiên

Chỉ bằng vài lời kể, ngài Attenborough đã tóm tắt lại cuộc đời mình như một phần gắn chặt với thiên nhiên ngay từ khi còn là một cậu bé. Con đường dẫn tới hầm mỏ bỏ hoang của ông hồi nhỏ chính là những khám phá đầu tiên mở ra niềm quan tâm sâu sắc đến thế giới xung quanh. Mãi sau này và cho đến tận bây giờ, tình yêu với tự nhiên đã giúp David Attenborough sống một cuộc đời kỳ diệu.

Phim A Life on Our Planet anh 2
Tác phẩm tài liệu đem đến nhiều khung cảnh thiên nhiên kỳ vĩ.

A Life on Our Planet, cũng như nhiều thước phim tài liệu tự nhiên, đưa đến những hình dung lộng lẫy về một Trái Đất hoang dã, từ những vùng đồng cỏ rộng lớn ở châu Phi cho đến thế giới của băng tuyết vùng cực.

Vẻ đẹp đến kinh ngạc của khu rừng kỳ vĩ quanh năm tuyết phủ hay thế giới nhỏ bé của những loài lưỡng cư đầy màu sắc hiện diện với tất cả nét quyến rũ mà khán giả bình thường có lẽ cả đời khó có cơ hội chiêm ngưỡng tận mắt.

“Thế giới không phải là giỏ trái cây để ta có thể lấy đi bất cứ thứ gì mình muốn”

Song song với việc đem đến những cảnh phim đẹp đẽ, người kể chuyện nhắc nhở người xem rằng đó không phải là tài nguyên vô hạn để con người có thể sử dụng tùy ý. Những đồng cỏ mà người châu Phi gọi là vô hạn trải khắp chân trời, hóa ra cũng chỉ là một thế giới vừa đủ cho các loài động thực vật cùng nhau sinh tồn. Thế giới tự nhiên là kết quả của quá trình tiến hóa, chọn lọc, đấu tranh khó khăn mà mỗi chủng loài đóng vai trò mắt xích cân bằng. Sự phát triển mạnh mẽ của con người đã lấn át môi trường sống của các loài còn lại.

Để sinh sống và tiện nghi, chúng ta đã lấy đi của Trái Đất nhiều hơn những gì có thể trả lại. Đa dạng sinh học được thay thế bằng những loài vật thân thiện phục vụ cho nhu cầu của con người. Nói như ngài Attenborough, ta đang thay thế hoang dã bằng thuần hóa.

Phim A Life on Our Planet anh 3
Thiên nhiên không phải vô hạn để con người ra sức tàn phá.

Nông nghiệp canh tác cùng chăn nuôi lấy đi đất và nguồn nước sạch mà mọi loài động vật đều cần đến. Các hoạt động công nghiệp và dịch vụ là thủ phạm của sự gia tăng nồng độ CO2 trong không khí, góp phần đẩy nhanh quá trình biến đổi khí hậu. Lũ lụt, cháy rừng, các hiện tượng thiên nhiên cực đoan là kết quả của quá trình can thiệp thô bạo vào tự nhiên.

Nhìn lại sự nghiệp phi thường của mình, ngài David Attenborough gọi một cách trìu mến thế giới tự nhiên cân bằng và đa dạng mà ông đã trải qua thời kỳ đầu là “khu vườn địa đàng của chúng ta”. Còn được gọi là Holocene, thời kỳ ổn định này diễn ra sau kỷ băng hà lớn cuối cùng – vụ tuyệt chủng hàng loạt thứ năm trên hành tinh trong bốn tỷ năm.

Nhưng ông đưa ra cảnh báo rằng sự yên bình đáng tin cậy này sẽ sớm biến mất khi nhiệt độ tăng lên do sự nóng lên toàn cầu và đa dạng sinh học bị rút cạn.

Lời cảnh báo cho hậu thế

Bằng cách phá hủy môi trường tự nhiên, con người cũng đang tước đi cơ hội được thấy một thế giới xinh đẹp của những thế hệ sau này. Chỉ trong một đời người, ngài David Attenborough phải tận mắt chứng kiến sự bành trướng của dân số, dẫn đến thu hẹp rừng, biến đổi khí hậu, sự sụp đổ của cân bằng sinh học, những dấu hiệu của đợt tuyệt chủng thứ sáu và thảm họa sinh thái.

Phim A Life on Our Planet anh 4
Trái với nhiều bộ phim tài liệu trước của David Attenborough, A Life on Our Planet là lời kêu gọi thống thiết từ nhân vật.

Thông thường, các bộ phim tài liệu môi trường do Attenborough dẫn dắt thường mang cảm giác lạc quan bao trùm, rằng chúng ta rồi sẽ thay đổi được thói quen, rằng những nhà chức trách sẽ quan tâm hơn. Với A Life on Our Planet, lời khai của nhân chứng đã trở nên thống thiết và cay đắng hơn bao giờ hết.

Trong một cảnh quay khuôn mặt của ngài thật lâu, người xem thấy toàn bộ sức nặng cảm xúc đè nặng lên ông lão 94 tuổi. Vai trò của một người dẫn truyện bỗng chốc không còn quan trọng nữa. Đối mặt với khán giả là một người tận tụy dành cả đời cống hiến cho môi trường tự nhiên trong khi phải chứng kiến nó bị tàn phá đến tận cùng. Ngài im lặng một lúc như để suy ngẫm cho cuộc phỏng vấn, trước khi ngậm ngùi phát biểu: “Chúng ta đã bành trướng ra cả thế giới”.

Đa dạng sinh học là câu trả lời

Ýnghĩa của đa dạng sinh học nằm trong việc duy trì các hệ sinh thái đa dạng cả trên đại dương và trên cạn, không chỉ để động vật và thực vật có thể sinh sôi, mà còn để loài người có thể tồn tại.

Những đại dương giàu có và rừng rậm nguyên sơ là đồng minh tự nhiên quan trọng nhất của con người trong việc loại bỏ CO2 dư thừa khỏi khí quyển. Người kể chuyện kêu gọi các quốc gia có biện pháp đánh bắt và khai thác tài nguyên bền vững, hiệu quả, trong khi các cá nhân nên cắt giảm lượng thịt tiêu thụ.

Phim A Life on Our Planet anh 5
Khung cảnh Chernobyl sau 30 năm thảm họa hạt nhân xảy ra.

Bộ phim kết thúc bằng cảnh ngài David Attenborough bước đi giữa đống đổ nát tại Chernobyl, Ukraine. Đây là nơi xảy ra thảm kịch hạt nhân tồi tệ nhất trong lịch sử nhân loại xảy ra, khiến hàng trăm nghìn người phải sơ tán và hàng triệu cuộc sống bị ảnh hưởng.

Với con người, nơi đây sẽ gần như mãi mãi không thể sinh sống. Nhưng hậu quả của vụ nổ hạt nhân đã được thiên nhiên chữa lành. Chỉ trong hơn 30 năm vắng bóng con người, thiên nhiên đã thiết lập lại hệ sinh thái cân bằng. Rừng đã mọc trong thành phố, động vật hoang dã tự nhiên trở lại.

Bởi sau cuối, nhà môi trường học lên tiếng: mối đe dọa thực sự không phải là sự tồn vong của hành tinh, mà là sự tồn vong của nhân loại. Hành tinh vẫn còn đó từ hơn 4 tỷ năm trước và hẳn còn rất lâu sau này. Còn con người muốn tồn tại, thì hãy học cách làm việc với thiên nhiên, chứ không phải chống lại nó.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *