Trở thành một nàng công chúa đó là ước mơ của nhiều cô gái nhưng đối với Công chúa Aiko, việc sinh ra trong hoàng tộc đôi khi lại đi kèm với nỗi cô đơn.
Công chúa Toshi, hay còn được biết đến với tên gọi Công chúa Aiko, là người con duy nhất của Nhật hoàng Naruhito và Hoàng hậu Masako. Nhật hoàng Naruhito là người đăng cơ và kế thừa ngai vị của cha mình, cựu Nhật hoàng Akihito vào năm ngoái.
Ở tuổi 59, đây là giây phút mà Naruhito đã chờ đợi suốt cả cuộc đời, nhưng với con gái ông, người hiện 18 tuổi, điều đó ấn định số phận cô độc của cô.
Vào thời khắc Nhật hoàng Naruhito đăng cơ, Công chúa Aiko không xuất hiện bên cạnh cha mình và ngay cả Hoàng hậu Masako, người bạn đời 27 năm của ông cũng không có mặt ở đó. Theo truyền thống, phụ nữ không được phép xuất hiện trong lễ đăng quang của Hoàng đế Nhật Bản.
Hoàng gia Nhật Bản, được xem là vương triều lâu đời nhất thế giới, ra đời từ năm 660 trước Công Nguyên. Khi Nhật hoàng đăng cơ cũng đồng thời đánh dấu mốc khởi đầu cho một loạt điều cấm kỵ đặt trên đôi vai của Công chúa Aiko.
Vợ chồng Nhật hoàng Naruhito ra mắt dân chúng sau lễ đăng cơ.
Công chúa Aiko trong dịp sinh nhật tròn 18 tuổi.
Theo quy tắc hoàng gia, công chúa sẽ không được phép kết hôn với một thường dân. Nếu làm trái điều này, Aiko sẽ mất hết mọi thứ bao gồm tước hiệu cũng như tài sản. Điều này cũng đồng nghĩa với việc công chúa có thể sẽ chẳng bao giờ kết hôn bởi cô chỉ được phép lấy người trong giới quý tộc. Tuy nhiên, hiện tại, không còn một quý ông nào thuộc dòng dõi quý tộc ở Nhật Bản.
Không chỉ vậy, Công chúa Aiko cũng sẽ không bao giờ được thừa kế ngai vàng, bởi hoàng gia Nhật Bản chỉ cho phép nam giới đăng cơ. Ít ai biết rằng, trước khi Nhật hoàng Naruhito lên ngôi, Công chúa Aiko đã phải vật lộn với cuộc sống trong vai trò là người hoàng tộc.
Năm 8 tuổi, Aiko không chịu đến trường vì bị bạn bè trêu chọc, chế giễu. Cuối cùng, cô được thuyết phục quay trở lại lớp học nếu như có mẹ đi cùng. Một thời gian sau, Aiko mới tự tin tới lớp mà không cần mẹ. Vợ chồng Thái tử Naruhito lúc bấy giờ đã cố gắng làm cho những ngày tháng ở ghế nhà trường của con gái trở nên dễ chịu hơn bằng cách thường xuyên mời bạn cùng lớp của cô đến tham dự những buổi tụ họp ở hoàng cung.
Một cuộc điều tra tiết lộ, Công chúa Aiko đã phải trải qua “những thứ bạo lực” từ các bạn nam cùng lớp. Tuy nhiên, nhà trường giải thích rằng có hai nam sinh đã vô tình đụng phải, khiến cô sợ hãi.
Tháng 10/2016, lo lắng tăng lên khi Công chúa Aiko không tới trường gần hai tháng vì một căn bệnh không được xác định. Giới chức hoàng cung xác nhận công chúa luôn phàn nàn rằng cô bị đau dạ dày và chóng mặt. Lúc đó, nguyên nhân được cho là cô bị áp lực trong việc học tập để chuẩn bị cho các kỳ thi cũng như tập luyện cho một sự kiện thể thao.
Tháng 12 năm đó, khi hoàng gia Nhật Bản công bố các bức ảnh chính thức chúc mừng sinh nhật tuổi 15 của Công chúa Aiko, người dân đã rất sốc trước vẻ ngoài ốm yếu, gầy gò của cô, khiến nhiều người cho rằng cô gặp chứng rối loạn ăn uống.
Sau khi tốt nghiệp trường trung học nữ Gakushuin, Aiko đã dành ba tháng học tại trường Eton ở Anh và sống trong một nhà trọ. Trong vài năm gần đây, công chúa 18 tuổi, người đam mê chơi đàn cello, đã đồng hành bố mẹ trong một số nhiệm vụ hoàng gia và chuẩn bị bước vào giảng đường đại học.
Tuy nhiên, càng đến tuổi trưởng thành, Aiko dường như có rất ít điều để mong đợi, bởi vài người họ hàng lớn tuổi hơn cô đều đã có những trải nghiệm của riêng mình. Năm 2005, dì của cô là Công chúa Sayako kết hôn với một thường dân trước sự chứng kiến của 30 người. Cô không còn sự lựa chọn nào khác ngoài việc phải rời khỏi hoàng cung và chuyển vào sống trong một căn hộ bình thường ở Tokyo.
Hình ảnh gầy gò của Công chúa Aiko năm 15 tuổi gây sốc dư luận.
Sayako chỉ được nhận khoảng 1,6 triệu USD tiền hồi môn, một phần rất nhỏ trong số 355 triệu USD mà hoàng gia Nhật chi tiêu hàng năm. Ngoài ra, để chuẩn bị cho cuộc sống mới như một thường dân, Công chúa Sayako cũng phải học lái xe và học cách đi mua sắm ở siêu thị.
Vào năm ngoái, một người chị họ khác của Aiko là Công chúa Ayako cũng mất danh hiệu hoàng tộc và các đặc quyền khác sau khi kết hôn với bạn trai Kei Moraya, một nhân viên làm việc ở công ty vận chuyển.
Kể từ khi được sinh ra, Công chúa Aiko luôn sống trong nhung lụa, được hưởng những đặc quyền của người hoàng gia. Cô luôn có đội ngũ những nhân viên ở bên cạnh để chăm lo và đảm bảo cô thực hiện đúng các quy tắc trong cung. Vậy cô sẽ ra sao nếu trong tương lai Aiko lựa chọn vị hôn phu của mình là một thường dân?
Hiện nay có những lời kêu gọi hiện đại hóa chế độ quân chủ ở Nhật Bản để phụ nữ có thể đăng cơ và kết hôn với người ngoài giới quý tộc. Do vậy, Công chúa Aiko có thể thừa kế ngai vàng để trở thành người đứng đầu hoàng cung.
Công chúa Ayako chấp nhận mất tất cả để kết hôn với một thường dân.
Ở Nhật Bản, hiện chỉ có ba người được quyền thừa kế, gồm có em trai của Nhật hoàng là Thái tử Akishino (53 tuổi), con trai ông là Hoàng tử Hisahito (12 tuổi) và Hoàng thân Hitachi (83 tuổi, chú của Nhật hoàng Naruhito).
Các chuyên gia khuyến cáo dòng dõi hoàng tộc hoàn toàn có thể biến mất nếu Luật Hoàng gia không được sửa đổi. Năm 2005, một hội đồng chuyên gia kêu gọi công nhận sự kế vị theo chế độ mẫu hệ và sửa đổi luật pháp để cho phép đứa con đầu tiên của một cặp vợ chồng hoàng gia, bất kể mang giới tính gì, đều được quyền thừa kế. Chuyện này sau đó đã phải tạm dừng bởi sự ra đời của Hoàng tử Hisahito vào năm 2006 – thành viên nam đầu tiên của hoàng gia Nhật Bản trong vòng gần 41 năm.
Người ta cũng lo rằng việc cấm phụ nữ hoàng gia kết hôn với người ngoài giới hoàng tộc khiến họ phải từ bỏ tất cả để cưới một thường dân, cũng đồng nghĩa với việc số ít người hoàng gia còn lại phải gánh vác khối lượng công việc lớn. Trong số 18 thành viên hoàng gia Nhật Bản hiện nay, ngoài Thái thượng hoàng Akihito, 85 tuổi, và Hoàng thái hậu Emerita Michiko, 84 tuổi – những người không còn thực hiện nhiệm vụ hoàng gia – có tới 13 thành viên là nữ giới.
Nới lỏng các nguyên tắc là điều phổ biến tại Nhật Bản, với 84% người dân đều ủng hộ việc cho phép phụ nữ được trở thành người đứng đầu hoàng gia, bởi ít nhất nó sẽ giúp giữ cho chế độ quân chủ trở nên phù hợp trong một thế giới luôn biến đổi. Tuy nhiên nếu muốn thay đổi quy tắc trong hoàng tộc lâu đời nhất thế giới này thì đó không phải là điều dễ dàng và nhanh chóng.
Trong khi đó, Công chúa Aiko thì bị bỏ lại trong tình thế lấp lửng của hoàng gia và đang phải đối mặt với một tương lai cô đơn, bất định.