Người ta thường dùng những cụm từ như “kỳ diệu”, “nhanh chóng vượt bậc”, “ngoài sức tưởng tượng”, v,v… để nói đến quá trình phát triển kinh tế của Nhật Bản từ đống tro tàn chiến tranh, mà đi đầu là các ngành chế tạo. Và ngành sản xuất ôtô của Nhật có lẽ là một trong những chủ đề làm tốn nhiều giấy mực nhất với nhiều lời ngợi khen, ca tụng, bởi nó là một trong những biểu tượng về sự vươn lên của công nghiệp Nhật Bản, là một ví dụ rõ nhất cho câu chuyện cổ tích về một đảo quốc nghèo nàn trong thời gian ngắn đã vươn mình thành chàng khổng lồ khiến cả thế giới ngưỡng mộ.
Nhật Bản là quốc gia sản xuất ôtô nhiều thứ 2 trên thế giới, sau Mỹ, và sản lượng ôtô của Nhật Bản trong những năm gần đây chiếm tới hơn 30% số xe sản xuất toàn cầu. Sẽ thấy đáng ngạc nhiên hơn nếu biết rằng ngành công nghiệp này của Nhật khởi sự chậm rất nhiều so với Mỹ và các nước phương Tây, nhưng thậm chí trở thành khu vực công nghiệp lớn thứ 2 của Nhật, sau ngành điện máy và thiết bị, và là một trong những đầu tàu đưa kinh tế Nhật đi lên. Để đạt tới vị trí ngày nay, ngành sản xuất ôtô Nhật Bản cũng bắt đầu từ con số không và đã trải qua gần trăm năm.
Sau Minh Trị Duy Tân, chính phủ Nhật nhận thấy, để có thể ngang hàng với các cường quốc phương Tây, cần phải xây dựng một cơ sở công nghiệp hiện đại và chính phủ bắt đầu một loạt các ngành công nghiệp mới – từ dệt, luyện kim, cơ khí, khai mỏ cho đến đóng tàu, cầu đường, tài chính, bảo hiểm. Cơ sở hạ tầng để phát triển công nghiệp nhanh chóng được thiết lập. Những chiếc ôtô đầu tiên được nhập khẩu vào Nhật khoảng cuối thế kỷ 19 và đây là mầm mống để phát triển ngành công nghiệp ôtô Nhật Bản.
Chiếc ôtô đầu tiên của Nhật Bản ra đời vào năm 1902 trong cửa hàng xe đạp Sorin Shokai ở Tokyo. Người tạo nên chiếc xe này là anh thợ máy Uchiyama Komanosuke, 21 tuổi, được coi là kỹ sư ôtô đầu tiên của Nhật. Anh đã làm bộ khung gầm và thân xe cho một động cơ xăng 12 mã lực, 2 xi-lanh mà ông chủ cửa hàng mua từ Mỹ. Ngay mùa thu năm đó, cửa hàng nhận được đơn đặt hàng làm một chiếc xe buýt. Sau vài lần đổi tên, cửa hàng xe đạp trở thành Tokyo Motor Works và chính công ty này vào năm 1907 đã chế tạo chiếc ôtô đầu tiên sử dụng động cơ xăng sản xuất trong nước, nổi tiếng với tên gọi “Takkuri”.
Về sau, các hãng khác tung ra thêm nhiều mẫu mã thử nghiệm, nhưng sản xuất trong nước với số lượng ít không thể cạnh tranh được với xe nhập khẩu, hầu hết là của Mỹ, tràn ngập Nhật Bản sau trận động đất Tokyo năm 1923. Năm 1914, Nhật chỉ nhập 94 xe ôtô nguyên chiếc, nhưng trong 3 năm từ 1923 đến 1925 đã nhập 7.766 chiếc. Từ năm 1914 đến năm 1931, Nhật Bản nhập khẩu tổng cộng 39.426 xe ôtô. Thậm chí tới tận năm 1930, Nhật Bản chỉ tự sản xuất được 458 chiếc xe, trong khi cùng năm đó có tới 5.340.000 xe ôtô được sản xuất tại Mỹ.
Trước và trong Thế chiến 2, dưới sự chỉ đạo của Chính phủ, ngành công nghiệp ôtô của Nhật Bản tập trung sản xuất các xe tải cho quân đội. Các hãng sản xuất như Nissan, Toyota và rồi Isuzu được cấp giấy phép theo “Luật các ngành sản xuất ôtô” ban hành vào năm 1935. Luật này nhằm bảo hộ và phát triển ngành sản xuất xe ôtô trong nước, thông qua việc dành ưu đãi thuế cho các hãng sản xuất trong nước và hạn chế hoạt động của các hãng nước ngoài.
Thế chiến 2 kết thúc vào tháng 8-1945 nhưng gần 100 thành phố của Nhật bị phá hủy nặng nề do các vụ ném bom. Những vụ hỏa hoạn tiếp theo đã thiêu trụi nhiều khu vực lớn và hơn một nửa vành đai công nghiệp nặng trung ương của Nhật Bản bị tàn phá. Tuy nhiên, so với các ngành công nghiệp khác, ngành sản xuất ôtô không bị thiệt hại nhiều vì mục tiêu ném bom của Mỹ là các thành phố, nhà máy lọc dầu, xưởng chế tạo máy bay, tàu thủy, đường sắt.
Các hãng chế tạo ôtô mong sớm được nối lại sản xuất, nhưng do Nhật thất bại trong chiến tranh, hoạt động trong mọi lĩnh vực – từ chính trị, kinh tế, công nghiệp đến xã hội – đều thuộc quyền kiểm soát của lực lượng chiếm đóng. Và vì ngành ôtô bị coi là ngành quân giới trong chiến tranh, sự tồn tại của ngành này sau cuộc chiến hoàn toàn thuộc thẩm quyền quyết định của Bộ chỉ huy tối cao các cường quốc đồng minh. Lực lượng chiếm đóng cho phép các hãng Nhật Bản tiếp tục sản xuất nhưng chủ yếu là sản xuất xe tải, và sản lượng năm 1946 chỉ là 20.000 chiếc. Sản xuất xe hơi bắt đầu trở lại vào năm 1952, chủ yếu để đáp ứng nhu cầu của dịch vụ taxi.
Sau năm 1960, sản xuất xe hơi của Nhật Bản tăng với tốc độ chưa từng thấy. Trong số những hãng bắt đầu sản xuất xe hơi lúc này có Tokyo Kogyo (nay là Mazda), Công ty công nghiệp nặng Fujijyuko, Daihatsu và Honda. Khoảng năm 1968, Toyota và Nissan tăng xuất khẩu xe hơi và xe tải hạng nhẹ. Vào năm 75 có thêm Honda và các hãng khác tham gia xuất khẩu.
Nhờ kinh tế phát triển mạnh, ngành sản xuất ôtô đã tăng cường sản xuất để đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng trên các thị trường trong nước và xuất khẩu, rồi nhanh chóng trở thành một phần quan trọng của hệ thống sản xuất ôtô toàn cầu.
Tiêu thụ nội địa là một trong những yếu tố quan trọng giúp phát triển ngành sản xuất xe hơi. Tỉ lệ sở hữu xe hơi của các gia đình ở Nhật Bản tăng đều đặn vào cuối thập kỷ 70, đầu thập kỷ 80, và vào tháng 3/85 đạt tới 65,8%, tức là cứ 3 gia đình thì có 2 xe hơi. Thậm chí tới 14,6% các hộ gia đình có từ 2 xe hơi trở lên. Trong vòng 10 năm kể từ năm 1987, số lượng xe ôtô các loại sử dụng ở Nhật Bản tăng trung bình 2 triệu chiếc mỗi năm và đến năm 1997 tổng cộng là 70.003.297 chiếc. Tuy tỉ lệ xe hơi tính theo đầu người của Nhật thấp hơn Mỹ và một số nước châu Âu, theo số liệu thống kê năm 1996, cứ 1000 người thì có 386 xe hơi.
Một yếu tố quan trọng khác là chính phủ Nhật Bản, đi đầu là Bộ Công nghiệp và Ngoại thương, đã ủng hộ và bảo vệ ngành công nghiệp ôtô quốc nội, chẳng hạn ưu đãi cấp ngoại tệ để thu hút công nghệ tiên tiến, hạn chế nhập khẩu xe và đầu tư nước ngoài đồng thời giúp phát triển ngành sản xuất phụ tùng ôtô.
Năm 1962, Nhật Bản đứng vị trí thứ 6 trên thế giới, nhưng sang năm 63 đã vượt Italia để lên vị trí thứ 5, lên hàng thứ 4 sau khi vượt Pháp năm 64, vượt Anh năm 66 để chiếm vị trí thứ 3, vượt Tây Đức năm 67 để lên hàng thứ 2 và đứng ở vị trí này cho tới khi vượt cả Mỹ vào năm 1980 để trở thành quốc gia sản xuất ôtô số 1 thế giới và chiếm ngôi bậc này suốt một thời gian dài. Năm 1993, tính về số ôtô sản xuất tại từng nước bất kể thuộc công ty sở tại hay nước ngoài, Mỹ vượt qua Nhật Bản, trở lại là nước sản xuất ôtô nhiều nhất thế giới. Điều này cho thấy các hãng sản xuất ôtô Nhật dần dần mở rộng hoạt động sản xuất tại nước ngoài.
Ngành sản xuất ôtô là một ngành công nghiệp cơ bản và cũng là một ngành công nghiệp toàn diện, có ảnh hưởng rất lớn đến nền kinh tế. Ở Nhật Bản, có lúc người ta gọi ngành sản xuất ôtô là “ngành công nghiệp 10%” vì nó chiếm khoảng 10% tổng kim ngạch sản xuất, tuyển dụng khoảng 10% lực lượng lao động. Các khoản thuế liên quan đến ôtô cũng chiếm từ 11 đến 12% tổng doanh thu thuế từ những năm cuối thập niên 70 cho đến tận ngày nay.
Tại sao xe ôtô Nhật được ưa chuộng đến vậy ? Một lý do thường được đưa ra trước đây là xe Nhật nhỏ gọn, ít tốn nhiên liệu và giá thành hợp lý. Nhưng sau cuộc khủng hoảng dầu lửa, các nước Âu-Mỹ cũng cố gắng cải tiến kỹ thuật tiết kiệm nhiên liệu. Hiện tại, nhiều loại xe Nhật đang được sản xuất ở nước ngoài nên dùng phụ tùng sản xuất tại bản địa và do vậy, giá cả giữa xe Nhật và xe nước ngoài cũng như nhau. Tuy nhiên, về mặt ít trục trặc, xe Nhật vẫn đứng đầu thế giới. Hàng năm, Mỹ tổ chức điều tra về các xe trục trặc qua khiếu nại của khách hàng, và theo điều tra này, trong số 10 xe đứng đầu về ít trục trặc, trung bình có 7 xe do Nhật Bản sản xuất. Điều đó chứng tỏ quản lý chất lượng của các công ty Nhật rất tốt.
Ngành sản xuất ôtô Nhật Bản bắt đầu liên kết mạnh mẽ với các công ty của phương Tây trong thời gian từ năm 1975 đến 1985. Các hãng sản xuất của Mỹ đánh giá rằng, xe hơi Nhật có chất lượng siêu hạng là nhờ kỹ thuật quản lý tốt và vì vậy rất tích cực học hỏi. Trong khi đó, từ cuối thập niên 70, các hãng ôtô Nhật bắt đầu vạch kế hoạch sản xuất ở nước ngoài và đi những bước đầu tiên để tiến tới chiến lược toàn cầu hóa quy trình sản xuất.
Sau năm 1985, cọ xát mậu dịch Nhật- Mỹ ngày càng tăng và giảm lợi nhuận xuất khẩu đã khiến ngày càng nhiều hãng sản xuất ôtô Nhật mở nhà máy tại Canada và Mỹ. Tính đến tháng 3-1993, 8 hãng ôtô Nhật Bản có 11 chi nhánh ở Bắc Mỹ với tổng sản lượng hàng năm là 1,83 triệu chiếc. Tại châu Âu, thị trường xuất khẩu ôtô lớn thứ 2 của Nhật Bản, nhiều nhà máy lắp ráp ôtô cũng đi vào hoạt động.
Các hãng sản xuất ôtô Nhật không chỉ liên kết với các công ty hàng đầu của các nước công nghiệp tiên tiến mà còn thiết lập quan hệ hợp tác và sản xuất với công ty của nhiều nước đang phát triển, trong đó có các nước thuộc khu vực châu Á như Trung Quốc, Hàn Quốc, Ấn Độ, Thái Lan, Malaixia, Inđônêxia, Philippin, v,v… Trong số 11 hãng sản xuất ôtô của Nhật Bản, đến 8 hãng có mặt tại Việt Nam là Toyota, Hino, Isuzu, Mitsubishi, Suzuki, Mazda, Daihatsu và Công ty công nghiệp nặng Fujijyuko.
Năm 1997, sản lượng ôtô do Nhật Bản sản xuất cả trong và ngoài nước đạt mức kỷ lục là 17.320.000 chiếc, tăng 850.000 chiếc so với năm 1996 và vượt 330.000 chiếc so với mức cao nhất trước đó vào năm 1990. Song, do suy thoái kinh tế trong nước và khủng hoảng kinh tế ở nước ngoài, nhất là ở châu Á, 4 trong số 5 hãng ôtô hàng đầu của Nhật đã thông báo, sản lượng và mức tiêu thụ trong tháng 10-1998 bị giảm so với cùng kỳ năm 1997. Ngay cả hãng sản xuất ôtô lớn nhất là Toyota cũng không thoát khỏi tình trạng giảm sút và số xe bán ra của công ty này trong nửa đầu tài khóa, tính đến tháng 9 năm nay, đã giảm 2%. Dự đoán tổng sản lượng xe hơi Nhật trong năm 98 sẽ giảm mạnh.
Ngoài các chiến lược liên kết giữa các công ty và cố gắng hạ giá thành, có thể nói việc chuyển sang hướng sản xuất các loại xe hiện đại và không gây tác hại cho môi trường là chìa khóa cho sự sống còn của các hãng xe hơi trong cuộc cạnh tranh ngày càng quyết liệt.
Theo Bộ giao thông vận tải, trong lượng khí cacbonic (Co2) thải ra từ các phương tiện giao thông ở Nhật Bản, kể cả tàu điện và máy bay, ôtô chiếm tới 80%. Để giảm lượng khí thải đang làm cho nhiệt độ trái đất ấm lên, các hãng ôtô Nhật Bản xúc tiến phát triển và sản xuất những loại xe ít gây ô nhiễm hoặc không gây ô nhiễm như xe chạy điện, xe hybrid vừa dùng điện-vừa dùng xăng, và người ta đang đặt hy vọng rất nhiều vào loại xe chạy điện dùng pin nhiên liệu FCEV ( fuel-cell electric vehicle ) mà điện dùng cho xe được tạo ra nhờ phản ứng hóa học giữa hydro và oxy.
Năm 1996, Toyota là hãng đầu tiên của Nhật Bản và thế giới đưa ra thị trường loại xe ít gây ô nhiễm, có thể đạt tốc độ 125km/h và mỗi lần nạp điện chạy được 215km trong thành phố. Tháng 12-1997, Mazda cũng đã thử nghiệm một chiếc xe như vậy. Hãng Nissan dự định sẽ tung ra một chiếc xe hybrid vào năm 2000 còn Honda có kế hoạch tiến hành chạy thử vào năm 2003.
Bênh cạnh việc nghiên cứu các loại xe bảo vệ môi trường, các hãng ôtô Nhật Bản còn hướng tới hệ thống giao thông siêu việt, gọi tắt là ITS ( Intelligent Transportation Systems ). Theo hệ thống này, con người không cần lái xe. Chỉ cần đặt sẵn địa điểm cần tới là xe tự động mở máy, giữ khoảng cách với các xe khác, tránh những con đường tắc nghẽn và đi đến địa điểm cuối cùng. Trong giai đoạn đầu, chính phủ Nhật cấp ngân sách cho hệ thống thu lệ phí tự động, đặt tại cửa ra vào các xa lộ. Khi xe chạy qua cửa kiểm soát thì tiền lệ phí được tự động rút ra từ tài khoản của chủ xe. Hệ thống này đã được áp dụng ở thành phố New York của Mỹ và Singapore. Hạ tầng cơ sở cho hệ thống thu lệ phí tự động có thể dùng trong các giai đoạn tiếp theo và cuối cùng dẫn đến hệ thống ITS ( Intelligent Transportation Systems ).
Kể từ tháng 1-1995, cả chính phủ lẫn giới kinh doanh, các trường đại học và viện nghiên cứu ở Nhật Bản cùng nỗ lực xúc tiến dự án tạo lập một xã hội giao thông đường xá xe cộ thông minh. 4 mục tiêu chính của dự án là thúc đẩy nghiên cứu và phát triển hệ thống giao thông siêu việt ITS ( Intelligent Transportation Systems ) cùng các lĩnh vực liên quan; trao đổi thông tin với châu Âu và Bắc Mỹ; đề ra các ứng dụng quan trọng cho hệ thống ITS ( Intelligent Transportation Systems ), và 3 năm một lần chủ trì Hội nghị ITS quốc tế tại khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Theo tính toán, dự án kể trên sẽ giảm tình trạng tắc nghẽn giao thông khoảng 50% sau 10 năm kể từ khi áp dụng và giảm tới 80% sau 20 năm, nhờ đó giảm đáng kể mức khí thải độc hại, giảm mức tiêu thụ nhiên liệu và nâng cao tính an toàn.
Thiết lập hệ thống giao thông siêu việt vẫn còn là một con đường dài. Tuy kỹ thuật hiện nay liên quan đến ngành ôtô rất hiện đại, người ta ước tính phải mất vài chục năm nữa mới có thể đạt được kế hoạch như vậy. Trước mắt, những nỗ lực của các công ty Nhật Bản không chỉ có vai trò đảm bảo sự tồn tại của họ mà còn là trách nhiệm để giữ vững vị trí của ngành xe ôtô Nhật trên thế giới và giúp nền kinh tế Nhật phục hồi, đồng thời góp phần tạo một môi trường trong lành hơn cho các thế hệ tương lai