“Tán đổ” khách hàng bằng cách xây dựng nền tảng “Thương hiệu yêu thích”

Cuộc khủng hoảng COVID-19 không chỉ mang lại sự thay đổi và biến động to lớn tới cuộc sống con người mà còn ảnh hưởng tới tình hình kinh doanh của các công ty. Năm 2021 tiếp tục định hình lại xu hướng hành vi mới của người tiêu dùng. Các doanh nghiệp hiện vẫn đang tìm cách thay đổi chiến lược kinh doanh để phù hợp với nhu cầu khách hàng cũng như biến động của thị trường. 

Các nghiên cứu gần đây chỉ ra rằng, khi người dùng phải đối mặt với việc đưa ra quyết định, cảm xúc từ những trải nghiệm trước đó có thể sẽ làm thay đổi hành vi của họ. Thực tế, người dùng mua sản phẩm không hẳn vì họ thấy cần thiết mà có thể vì lý do tình cảm.  Cũng giống như bạn đi ăn, dù đã no nhưng nếu quán mời bạn dùng thử món ăn mới, là khách hàng trung thành, chắc chắn bạn sẽ muốn ủng hộ!

Do đó, xây dựng brand love (tình yêu thương hiệu) và tạo mối quan hệ cảm xúc giữa thương hiệu với khách hàng sẽ là nhân tố ảnh hưởng lớn đến tới sự thành bại của các doanh nghiệp.

Trong bản báo cáo Brand Love Story 2020, Talkwalker đã phân tích gần 800 thương hiệu trên toàn cầu, sử dụng sức mạnh của công cụ social listening và phân tích xã hội để xác định thương hiệu được yêu thích nhất trên thế giới.

Báo cáo cũng chỉ ra lý do tại sao brand love lại là một trong những chiến lược quan trọng nhất mà các doanh nghiệp có thể sử dụng ngày nay. Đây là chỉ số đóng vai trò để xây dựng nền tảng mối quan hệ lâu dài giữa khách hàng với thương hiệu, thường có thể dẫn đến sự phát triển kinh doanh theo thời gian.

Ví dụ: 39,5% người tiêu dùng thừa nhận lòng trung thành thương hiệu là điều kiện để xây dựng brand love. Khách hàng trung thành thành luôn là những người ủng hộ thương hiệu vô điều kiện. Họ sẽ chia sẻ, giới thiệu về công ty, sản phẩm của bạn tới bạn bè và mạng lưới quan hệ của họ. Cho dù sản phẩm bạn tăng giá, họ sẵn sàng đáp ứng và không chút phàn nàn bởi họ hiểu các giá trị tương xứng đi kèm với các dịch vụ thương hiệu mà bạn trao cho họ.

Báo cáo của Talkwalker cũng tiết lộ một số bí quyết để xây dựng brand love mà bạn có thể áp dụng cho doanh nghiệp của mình:

Trải nghiệm khách hàng

Tạo ra các trải nghiệm tuyệt vời cho khách hàng chính là động lực khiến người tiêu dùng tin tưởng và yêu thích thương hiệu của bạn. Nghiên cứu chỉ ra rằng 75% trải nghiệm mua hàng đều dựa trên cảm xúc cá nhân.

Các chiến lược marketing ngày nay đều xoay quanh cuộc chiến lấy lòng người tiêu dùng. Do đó, bạn nên tập trung xây dựng trải nghiệm trên cả kênh trực tuyến và ngoại tuyến.

Xu hướng tương tác

Hãy học cách lắng nghe các cuộc trò chuyện đang diễn ra xung quanh, từ người tiêu dùng cho đến các đối thủ, bạn sẽ hiểu rõ hơn về cách khán giả của mình phản ứng với các xu hướng mới nổi. “Đi tắt đón đầu” bằng việc bắt kịp các xu hướng marketing mới sẽ giúp doanh nghiệp luôn thu hút được sự chú ý của người tiêu dùng.

Marketing hoài niệm 

Nostalgia marketing hay còn gọi là marketing hoài niệm là phương thức marketing kết hợp giữa thông điệp thương hiệu và những ký ức đẹp. Con người vốn dĩ luôn thích hoài niệm, trân trọng quá khứ và nhớ về những giai đoạn gắn liền với cảm xúc đẹp đẽ.

Bằng cách khơi lại những kỷ niệm với thương hiệu trong suốt hành trình kinh doanh, doanh nghiệp sẽ xây lại được tình yêu của khán giả và khiến họ nhớ mãi về bạn.

Trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp (CSR)

CSR – Corporate social responsibility dịch là Trách nhiệm xã hội doanh nghiệp. Đây là cam kết của doanh nghiệp đối với đạo đức kinh doanh dựa trên những đóng góp cho cộng đồng, xã hội nói chung.

Để xây dựng brand love, thương hiệu cần tăng cường kết nối với khách hàng bằng cách mang lại những giá trị, thông điệp hữu ích tới họ cũng như giải quyết các vấn đề xã hội mà họ đang quan tâm.

Vận động nhân viên 

Employee Advocacy (vận động nhân viên) là hình thức tiếp thị sử dụng sức mạnh truyền thông từ chính cộng đồng nhân viên để quảng bá thương hiệu cho doanh nghiệp. Tạo ra một môi trường làm việc thân thiện sẽ góp phần khuyến khích nhân viên tích cực quảng bá thương hiệu của bạn. Điều này sẽ nâng cao nhận thức thương hiệu tổng thể, từ đó tiếp cận được nhiều đối tác, khách hàng hơn thông qua mạng lưới nhân viên.

Kết 

Brand love là nền tảng sâu sắc nhất, ổn định nhất để giữ chân khách hàng ở lại mãi với thương hiệu. Các yếu tố như sản phẩm, dịch vụ, giá cả… đều có thể dễ dàng tạo dựng trong thời đại công nghệ như hiện nay, nhưng để xây dựng tình yêu trung thành với thương hiệu là cả một quá trình. Một khi đã yêu, khách hàng sẽ khó lòng thay đổi thói quen sang sử dụng sản phẩm của các brand khác. Do đó, nắm bắt rõ mức độ tình cảm khách hàng hiện tại sẽ là chìa khóa cho brand phát triển lâu dài.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *