Đôi sếu Nhật Bản ở Hokkaido
Đôi nét về loài sếu Nhật Bản
Sếu Nhật Bản là một loài sếu lớn với bộ lông trắng, hai bên cánh phía sau và phần đầu có màu đen. Sếu trưởng thành trên đỉnh đầu có một vệt lông dài màu đỏ. Nngoài tên gọi là sếu Nhật Bản loài sếu này còn có nhiều tên gọi khác như sếu đầu đỏ, hạc đầu đỏ vì có một vệt dài màu đỏ trên đầu, người Nhật còn gọi loài sếu này là hạc Tancho (Tancho theo tiếng Nhật nghĩa là chỏm lông màu đỏ).
Sếu Nhật trong một ngày nắng
Sếu Nhật Bản được biết đến như là loài sếu lớn và hiếm thứ hai trên thế giới. Ở Nhật Bản, sếu đầu đỏ là loài chim lớn nhất của xứ sở Phù Tang, trung bình sếu Nhật Bản trưởng thành cao 1,4m nặng từ 7,7 đến 10 kg, thậm chí có những con sếu được ghi nhận nặng đến 15 kg. Loài sếu này thường sống tại các đầm lầy, chúng ăn các loài lưỡng cư nhỏ hay cá hoặc côn trùng. Ở Nhật Bản, hạc đầu đỏ sống ở Kushiro thuộc Hokkaido, nếu bạn muốn đi ngắm loài sếu này bạn có thể đi tàu cao tốc xuyên biển từ Tokyo đến Hokkaido chỉ mất 1h.
Tại sao sếu đầu đỏ trở thành biểu tượng của Nhật Bản?
Có rất nhiều lý do khiến loài chim đặc biệt này trở thành biểu tượng của Nhật Bản như nó biểu thị cho sự trường thọ, thủy chung, trung thực, may mắn:
- Sự trường thọ: hạc đầu đỏ có tuổi thọ trung bình từ 30 – 60 năm và là loài chim có tuổi thọ dài nhất, vì vậy nó đại diện cho sự trường thọ.
- Sự thủy chung: hạc đầu đỏ khi kết đôi chúng sẽ sống với nhau suốt đời, nếu có một trong hai con chết đi con còn lại cũng sẽ không kết đôi với bất kỳ con nào khác trong vòng đời của nó. Vì vậy mà nó được người Nhật coi là biểu tượng của sự thủy chung và hình hạc đầu đỏ cũng thường được thêu trên các lễ phục Kimono của người Nhật.
- Sự may mắn: bạn có bao giờ nghe đến truyền thuyết nếu gấp 1000 con hạc giấy rồi treo lên một cái cây lớn sau đó cầu nguyện thì điều ước sẽ thành hiện thực chưa. Người Nhật tin rằng hạc là biểu tượng may mắn, hạc đầu đỏ còn là loài chim lớn nhất ở Nhật Bản nên nó còn được người dân coi như là một biểu tượng đặc biệt của tự nhiên.
- Sự trung thực: bắt nguồn từ truyền thuyết “hạc đền ơn” ở Nhật, đó là một con hạc gặp nạn được hai vợ chồng nọ cứu sống sau đó không lâu có một cô gái đến nhà của hai vợ chồng và xin ở nhờ để tránh bão tuyết. Suốt thời gian đó, cô gái chỉ ở trong phòng dệt vải và không lâu sau cô tặng cho hai vợ chồng một tấm vải tuyệt đẹp để cảm ơn. Hai vợ chồng hiếu kỳ nên nhìn trộm cô dệt vải, hóa ra đó là một con hạc, nó bứt từng chiếc lông trên người để dệt thành tấm vải tặng cho hai vợ chồng. Sau khi bị phát hiện, con hạc đã từ biệt hai vợ chồng và bay đi trong một buổi trời đầy tuyết trắng. Từ truyền thuyết này, hạc đã trở thành loài biểu trưng cho sự trung thực, ngay thẳng.
Một hình ảnh đẹp chụp cặp sếu buổi chiều tà
Bạn có thể bắt gặp hình ảnh sếu đầu đỏ ở rất nhiều nơi trên Nhật Bản như logo của hãng hàng không quốc gia Nhật Bản, trên tờ tiền 1000 yên, thiệp mừng năm mới, thêu trên áo kimono, logo của trường nhật ngữ, con tem bưu điện …
Hình ảnh sếu đầu đỏ trên lễ phục Kimono
Không chỉ ở Nhật Bản, cả khu vực Đông Á đều coi loài sếu là tượng trưng cho sự may mắn, trung thực và sự trường thọ. Nếu bạn có cơ hội một lần sang Nhật và vô tình được thấy sếu Nhật Bản tức là bạn là người may mắn nhất trong ngày rồi đấy.