Nhà vệ sinh trong suốt được lắp đặt ở công viên Tokyo để khách hàng tiềm năng có thể kiểm tra độ sạch sẽ của chúng từ bên ngoài.
Nhà vệ sinh “xuyên thấu” do kiến trúc sư Shigeru Ban, người từng đoạt giải thiết kế Pritzker và hơn 10 nhà thiết kế hàng đầu khác cùng sáng tạo, được làm từ “kính thông minh” có thể chuyển sang màu mờ đục khi có người sử dụng.
Các buồng vệ sinh công cộng này được lắp đặt tại 5 địa điểm ở phố Shibuya trong khuôn khổ Dự án Nhà vệ sinh Tokyo do tổ chức phi lợi nhuận Quỹ Nippon tài trợ.
Nhà vệ sinh được lắp đặt trong công viên ở Shibuya, Tokyo. Ảnh: Shutter Stock.
Ngoài yếu tố lạ, Quỹ Nippon cho hay có nhiều yếu tố quan trọng mang tính thực tiễn khác đằng sau các nhà vệ sinh lạ thường này, nơi được ví “như một thiết bị sân chơi gây tò mò”.
“Có hai mối quan tâm với nhà vệ sinh công cộng, đặc biệt là nhà vệ sinh ở công viên”, tổ chức này cho hay. “Điều đầu tiên là bên trong có sạch sẽ không, điều thứ hai là đảm bảo không có người nào đang rình mò bên trong”.
Với công nghệ mới, tường kính trong suốt bên ngoài nhà vệ sinh sẽ tự mờ đi khi cửa bị khóa từ bên trong, cho phép khách hàng tiềm năng xem xét hệ thống nội thất bên trong trước khi chi tiền mua.
“Vào buổi tối, chúng sẽ sáng lên như một chiếc đèn lồng tuyệt đẹp”, Quỹ Nippon cho hay.
Một nhân viên của Nippon ngồi làm mẫu trong nhà vệ sinh. Ảnh: Shutter Stock
Nhà vệ sinh công nghệ cao của Nhật Bản từ lâu đã trở thành điểm thu hút người dân khắp thế giới ghé thăm đất nước này. Toto, nhà sản xuất bồn rửa mặt, đang tiếp thị dòng bồn cầu có chế độ phun rửa và hong khô, cũng như làm ấm chỗ ngồi và nắp đậy tự động đóng mở, tại thị trường Trung Quốc và nhiều quốc gia khác.
Quỹ Nippon lưu ý dù nhà vệ sinh Nhật Bản có tiếng là sạch sẽ, nhiều người vẫn hiểu nhầm rằng nhà vệ sinh công cộng luôn “tối tăm, bẩn thỉu, hôi hám và đáng sợ”. Dự án sẽ lắp đặt nhà vệ sinh tại 17 điểm nữa ở Shibuya vào mùa xuân năm sau.