Với tổng GDP gần 4.800 tỷ USD (năm 2005); GDP bình quân đầu người 31.500 USD, Nhật Bản là nền kinh tế lớn thứ hai thế giới và cũng là nền kinh tế lớn thứ hai trong số 21 nước thành viên APEC, chỉ sau Mỹ.
Ngoài khuôn khổ APEC, Nhật Bản là nước có quan hệ “hướng tới đối tác chiến lược” với Việt Nam trên nhiều lĩnh vực.
Gia nhập APEC từ năm 1989, từng là nước chủ nhà của hội nghị này, với tiềm lực kinh tế mạnh và là nước có ảnh hưởng lớn ở khu vực cũng như trên thế giới, Nhật Bản đã trở thành một thành viên quan trọng của khối APEC.
Riêng với Việt Nam, quan hệ hai nước đã không ngừng phát triển trong những năm gần đây. Nhân Tuần lễ cấp cao APEC 2006, Thủ tướng mới đắc cử của Nhật Bản Shizo Abe sẽ thăm hữu nghị chính thức Việt Nam, mở ra một giai đoạn mới trong quan hệ “hướng tới đối tác chiến lược vì hoà bình và phồn vinh ở châu Á”, giữa hai nước.
Những thành tựu kinh tế đáng nể
Nhật Bản là nước nghèo tài nguyên, trong khi dân số lại quá đông (hơn 127 triệu người); phần lớn nguyên liệu phải nhập khẩu; kinh tế bị tàn phá nặng sau Chiến tranh thế giới thứ 2.
Nhưng, với những chính sách kinh tế hợp lý của Chính phủ, kinh tế Nhật Bản đã phục hồi nhanh trong giai đoạn 1945-1954 và phát triển mạnh trong giai đoạn 1955-1973, trở thành hiện tượng kinh tế “thần kỳ” của thế giới với những kết quả đáng khâm phục.
Từ năm 1974 đến nay, tuy tốc độ tăng trưởng kinh tế có chậm lại, song Nhật Bản vẫn luôn khẳng định vị trí là nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, với nhiều tập đoàn công nghiệp, tài chính mạnh. Dự trữ ngoại tệ của Nhật Bản luôn đứng hàng đầu thế giới (hiện khoảng 900 tỷ USD), chỉ sau Trung Quốc, nên lượng vốn đầu tư ra nước ngoài cũng rất lớn.
Trong những năm 1997 – 1998, kinh tế Nhật Bản gặp khó khăn, do các vụ bê bối trong hệ thống ngân hàng và thị trường nhà đất. Mấy năm gần đây, Chính phủ Nhật đã thực hiện 6 chương trình cải cách lớn như: cải cách cơ cấu kinh tế; giảm thâm hụt ngân sách, cải cách tài chính; sắp xếp lại cơ cấu chính phủ.
Những chương trình cải cách này đang đi vào quỹ đạo và mang lại kết quả khả quan, chấm dứt một thời gian suy thoái kinh tế kéo dài. Năm 2003, kinh tế Nhật Bản đã tăng trưởng 2,7%; năm 2004 tăng 1,45%; năm 2005 tăng 2,5% và dự kiến năm 2006 sẽ tăng trưởng ở mức 2%.
Ngân hàng trung ương Nhật Bản vừa cho biết: kinh tế Nhật Bản vẫn đang tiếp tục hồi phục nhanh nhờ sự tăng trưởng khả quan trong các lĩnh vực sản xuất, tiêu dùng và thu nhập. Ông Toshihiko Fukui, Thống đốc Ngân hàng trung ương Nhật Bản cho biết: lĩnh vực xuất khẩu và sản xuất công nghiệp của Nhật Bản đang tiếp tục tăng với mức lợi nhuận cao cho phép nhiều công ty gia tăng vốn đầu tư.
Thu nhập của người dân cũng đang tăng lên nhờ ảnh hưởng tích cực từ việc cải tiến chế độ tiền lương và các điều kiện lao động của Chính phủ. Ngân hàng trung ương Nhật Bản sẽ điều chỉnh chính sách tiền tệ phù hợp với điều kiện giá cả và tăng trưởng kinh tế để đưa nền kinh tế Nhật Bản phát triển ổn định.
Cùng với việc tạo dựng sức mạnh kinh tế, Nhật Bản đang điều chỉnh chính sách đối ngoại theo hướng tăng cường tính độc lập, tự chủ, vươn lên thành cường quốc chính trị.
Trang mới trong quan hệ Việt –Nhật
Những năm qua, Nhật Bản luôn là đối tác kinh tế quan trọng hàng đầu của Việt Nam. Hai nước đã dành cho nhau thuế suất tối huệ quốc từ năm 1999. Những mặt hàng xuất khẩu sang Nhật chủ yếu của Việt Nam là thuỷ sản, dệt may, cáp điện, đồ gỗ…
Việt Nam nhập từ Nhật sắt thép, hàng cơ khí, điện máy, nguyên liệu dệt… Trong 7 tháng đầu năm nay, tổng kim ngạch thương mại Việt-Nhật đã đạt gần 5,6 tỷ USD, tăng 16,8% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam đạt gần 3 tỷ USD và nhập khẩu gần 2,6 tỷ USD.
Trong chuyến thăm Nhật Bản của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tháng 10 vừa qua, hai bên khẳng định mục tiêu nâng kim ngạch thương mại hai chiều lên 15 tỷ USD vào năm 2010. Hai nước cũng đã thoả thuận tiến hành đàm phán chính thức về Hiệp định thương mại kinh tế song phương vào tháng 1/2007.
Về du lịch, du khách Nhật Bản chiếm khoảng 10% tổng số du khách nước ngoài đến Việt Nam. Năm 2005, hơn 320 nghìn lượt khách Nhật đã đến thăm Việt Nam.Về đầu tư, Nhật Bản là nước có lượng vốn đầu tư trực tiếp lớn nhất vào Việt Nam. Tính đến tháng 8/2006, nước này đã có 677 dự án đầu tư còn hiệu lực tại Việt Nam, với tổng vốn thực hiện khoảng 4,69 tỷ USD. Trong đó chủ yếu đầu tư vào lĩnh vực công nghiệp (85%).
Riêng năm 2005, Nhật Bản đã đầu tư gần 1 tỷ USD vào Việt Nam. Hai bên đang tích cực triển khai giai đoạn 2 Sáng kiến chung Việt-Nhật về cải thiện môi trường đầu tư Việt Nam.
Nhật Bản cũng là nước dành viện trợ phát triển chính thức (ODA) lớn nhất cho Việt Nam, với tổng vốn ODA giai đoạn 1992-2005 là gần 11 tỷ USD, chiếm khoảng 30% tổng số vốn ODA mà cộng đồng quốc tế cam kết dành cho Việt Nam; trong đó, số viện trợ không hoàn lại Nhật Bản dành cho Việt Nam khoảng 1,4 tỷ USD. Mặc dù từ năm 2001, Chính phủ Nhật Bản đã cắt giảm 10 % ngân sách ODA nhưng vẫn tăng kim ngạch ODA dành cho Việt Nam.
Năm lĩnh vực nguồn vốn ODA Nhật Bản ưu tiên đầu tư tại Việt Nam là: phát triển điện lực, xây dựng thể chế; xây dựng các công trình giao thông, công trình điện; phát triển nông nghiệp, hạ tầng nông thôn; phát triển giáo dục, y tế; cải tạo môi trường. Từ năm 1992 đến nay, Nhật Bản còn giúp Việt Nam đào tạo 18.000 tu nghiệp sinh.Quan hệ hợp tác hữu nghị Việt Nam-Nhật Bản đã không ngừng được tăng cường trong những năm qua. Hai bên đã xây dựng cơ chế đối thoại ở nhiều cấp và ký kết 6 hiệp định hợp tác. Trong chuyến thăm chính thức Việt Nam tới đây của tân Thủ tướng Nhật Bản Shizo Abe, hai bên sẽ tiếp tục bàn giải pháp đẩy mạnh hợp tác kinh tế và cụ thể hoá nội dung hợp tác trên tinh thần “Hướng tới đối tác chiến lược”, mở ra một chương mới trong quan hệ Việt-Nhật.
Theo Vneconomy