Những nghệ sỹ nhiếp ảnh nổi tiếng Nhật Bản

Người đầu tiên được xem là nghệ sỹ nhiếp ảnh tiên phong của Nhật Bản là ông Ichiki Shiro (1828-1903) của thành phố Nagasaki- Nhật Bản. Vào năm 1857, sau 9 năm học tập, ông đã dùng chiếc máy ảnh daguerreotype đầu tiên ở nước này, chụp ảnh chân dung cho lãnh chúa Shimazu Nariakira của phủ Satsuma, mà nay là huyện Kagoshima. Bức ảnh vào năm 1999 đã trở thành báu vật quốc gia và trưng bày tại bảo tàng Shoko Shuseikan.


Kể từ đó tới nay, đã có rất nhiều nghệ sỹ nhiếp ảnh chuyên và không chuyên ở Nhật Bản và nổi tiếng đương đại có lẽ phải kể tới một số tác giả kỳ tài sau:

Về thể loại ảnh phong cảnh hai màu đen trắng và tính chất huyền bí, thơ mộng, khó có ai sánh được bằng nghệ sỹ Tokihiro Sato (1957). Ông sinh năm trùng với chính năm mà lịch sử nhiếp ảnh Nhật Bản ra đời (có bức hình đầu tiên), tuy rằng chiếc máy ảnh sơ khai đã du nhập vào nước này từ năm 1848 song vì chưa có kiến thức về ảnh nghệ nên chưa ai biết chụp. Ảnh của ông cho thấy những ý tưởng mới lạ về ánh sáng, không gian, sự hòa trộn giữa chúng để tạo nên những khung cảnh lung linh, huyền ảo và một vẻ đẹp vĩnh hằng vô tận. Vốn học điêu khắc và âm nhạc tại Đại học quốc gia Tokyo, nghệ sỹ có một tâm hồn hết sức lãng mạn và khi đến với ảnh vào các năm cuối thập niên 90 đã đưa chúng vào ảnh, làm ra những bức ảnh phong cảnh trữ tình, cho dù đó là một cảnh vật trong nhà hay ngoài trời. Tùy vào mỗi kiểu ánh sáng mà bức ảnh có một sự lôi cuốn riêng; ảnh không có người hay sinh vật song như thể có hình bóng của họ. Ngoài sự dàn trải, một điểm rất dễ nhận thấy trong ảnh của ông là những đốm sáng, tia sáng hoặc dòng ánh sáng, đặc tả những di chuyển, xao động trong không gian, vận động nhẹ nhàng như làn hơi. Nhìn qua, người xem có thể liên tưởng tới những bầy đom đóm đang tỏa sáng hoặc những vì sao lấp lánh trong đêm và những làn sóng lung linh nơi mặt hồ… Một khung cảnh vô cùng yên ắng, thanh bình. Do ảnh chỉ có hai  màu đen trắng nên cảnh vật càng thêm sâu lắng, tĩnh tại.  Để tạo được những vũ điệu ánh sáng và cảm  nhận trong trẻo, tinh khôi, nghệ sỹ phải dùng một chiếc máy ảnh khổ lớn và thời gian chụp hình lâu, từ một đến ba tiếng, giúp ghi lại từng điểm sáng đang hiện lên trong không gian từ xa, ví dụ như những ánh sáng đom đóm chẳng hạn. Ông cũng dùng hệ thống đèn flash và gương chiếu nhằm tăng trắng và tạo lập các hiệu ứng ánh sáng vui nhộn. Không cầm máy, ngược lại cầm gương, ông thường để máy trên giá đỡ và chụp với thời gian từ 30 phút trở lên thì ông lướt qua rất nhanh trước ống kính và quanh các cảnh vật để làm ra thứ ánh sáng phản chiếu và hàng loạt đốm sáng long lanh. Nhờ việc này mà lập được một hình ba chiều chân thực và hấp dẫn như một tác phẩm điêu khắc.

Taisho Lava, Stars, and Volcanic Eruption from Arimura Village, Sakurajima, Japan, 2013 From Arimura village, the Showa crater, the most active volcano in Sakurajima, cannot usually be seen unless some of the cinders soar really high. Yet this eruption was big enough to set an observed record-high atmospheric vibration, as recorded by the Kagoshima Local Meteorological Observatory. In this great universe, the earth is one member of the celestial body that is alive, active, and growing.

Cũng về phong cảnh nhưng là cảnh màu, đậm chất hoang dã, kịch tính, hấp dẫn nhất là nghệ sỹ Takehito Miyatake (1966). Ảnh của ông khắc họa một đất nước Nhật Bản cực kỳ tươi đẹp trong cả tự nhiên lẫn đường xá phố phường, đặc biệt là cảnh ban đêm hòa trộn giữa sự tịch mịch với sự náo nhiệt, vẻ thanh bình êm ả với vẻ ác liệt sôi sục, truyền thống và hiện đại, thực và hư. Trong đó có khá nhiều cảnh về các trận núi lửa phun, nước chảy, gió bụi, băng tuyết và đom đóm… do nước Nhật là một quốc đảo được sinh ra từ các trận mưa nham thạch, tro bụi. Cũng bởi vì nghệ sỹ sinh sống chủ yếu thời niên thiếu ở Tokushima thuộc đảo Shikoku là một vùng liên tục bị động đất, sóng thần với sức tàn phá và hồi sinh mãnh liệt. Cũng vì thế cuộc sống và ảnh của ông luôn đầy tính phiêu lưu, mạo hiểm, vẽ lên một thiên nhiên hết sức hùng tráng, giàu nhịp điệu và năng lượng. Chúng như là một cú nổ về màu sắc, âm thanh trước mắt, gợi lên ở người xem sự tò mò, phấn khích, lôi cuốn họ tìm đến những địa điểm trong ảnh. Là một người thực tế, song mỗi sáng tác của ông lại rất mơ mộng. Với quan niệm ảnh phong cảnh cũng giống như một bài thơ (waka) cổ điển, cùng thể hiện vẻ đẹp bao la, bí ẩn, trù phú của tự nhiên song lại bằng những lời và hình ảnh súc tích, ngắn gọn nhất, ông luôn chụp ảnh mọi thứ như một bài thơ năm dòng, 31 tiếng, tuy ngắn song gói gọn cả đất trời, thoạt nhìn đã thấy ngay kỳ quan thế giới với những cảnh tượng phi thường. Ngoài những tính chất lãng mạn, khi sáng tác nghệ sỹ còn áp dụng nhiều thủ pháp tiến bộ do học về kỹ thuật nhiếp ảnh tại đại học bách khoa Tokyo, trong đó thường dùng kỹ thuật số tạo nên những hình ảnh màu nhiệm về núi  rừng, sông biển, làng mạc. Khi nhận xét về ảnh của ông, người ta thấy rằng những miệng núi như đang phóng vào khí quyển, dựng xây ở đó từ các dòng nham thạch một dải ngân hà ngàn sắc; tương tự đó đom đóm là những ngọn đèn rực rỡ thắp sáng điền viên. Tất cả đều sống động, sinh sôi, đem lại những cảnh sắc lạ thường và những hiểu biết tôn trọng đối với các hiện tượng tự nhiên.

Trong loại ảnh chân dung và thời trang, thuộc thế hệ trẻ được yêu mến nhất Nhật Bản, tiêu biểu là nữ nghệ sỹ Mika Ninagawa (1972). Ảnh của chị chuyên đặc tả những thiếu nữ bên hoa hoặc côn trùng sặc sỡ. Ở đó, nhân vật hiện lên rất xinh tươi, mạnh mẽ trong những gam màu hồng, đỏ, cam, xanh hoặc tím. Vừa là một nhiếp ảnh gia, chị vừa là một nhà mỹ học và tạo mẫu do đã tốt nghiệp ngành đồ họa ở đại học mỹ thuật Tama Tokyo. Trong khi sáng tác, chị thường vận dụng nhiều thủ pháp phối sắc, cho một cái nhìn mới lạ, tươi trẻ, và đặc biệt dùng cách thể hiện của mỹ thuật đại chúng, đưa tác phẩm gần gũi với mọi người. Mỗi bức ảnh đều tôn vinh vẻ đẹp của tuổi trẻ và một sự sống tràn trề viên mãn qua màu sắc. Ảnh có tính hiện thực song nhờ sự rực rỡ, sinh động và sự xuất hiện của các loài vật trong cuộc sống mà trở nên thơ mộng, siêu tưởng như trong vương quốc thần tiên. Trong đó, ai cũng có thể trở thành một nữ hoàng hay siêu mẫu. Vì thế, có rất nhiều bạn trẻ, gồm cả minh tinh màn bạc tìm đến chị, ghi lại những khoảnh khắc xinh đẹp của bản thân, đưa chị trở thành một nhà tài liệu về tuổi trẻ đương đại, và giúp chị có hơn 40 cuốn sách ảnh đặc sắc từ năm 1997 đến nay.

Cũng là một nhà tư liệu nổi tiếng song về đời sống cá nhân gia đình đầu tiên ở Nhật Bản là nghệ sỹ Motoyuki Daifu (1985). Ảnh của anh miêu tả rất chi tiết và mạnh bạo những sinh hoạt đời sống thường nhật của một người dân thành thị. Từ việc vệ sinh, ăn ngủ, vui chơi, học tập đến những quang cảnh bếp núc, nhà cửa bề bộn. Tuy Nhật Bản là một đất nước phát triển, song điều kiện ăn ở vẫn còn khá nhiều điều phải nói, chẳng hạn như nhà cửa chật chội và đắt đỏ. Hàng ngày, mọi người phải sống với rất nhiều thứ ngổn ngang, cùng các sản phẩm ăn liền, vội vã để thích ứng với cuộc sống gấp gáp và công nghiệp. Vì thế, mỗi ngôi nhà là một nơi rất riêng tư, cấm kỵ ít người giới thiệu. Song bằng những hình ảnh hài hước của bản thân, cha mẹ, anh chị em và thậm chí là một người bạn gái đang mang thai của nghệ sỹ, anh đã vén lên một phần của bức mành trong ngôi nhà truyền thống, gây ở người xem sự bất ngờ thú vị vì chúng mới lạ và không có gì dấu diếm. Nghệ sỹ đã biết tới ảnh từ năm trung học và bắt đầu chụp ảnh khi là sinh viên. Không như bạn bè sáng tác từ những thứ đâu xa, anh khai thác ngay những khía cạnh cuộc sống trong nhà và những vật dụng quen thuộc. Cũng không cầu kỳ sắp đặt, anh dùng kiểu ảnh chụp nhanh, để phản ánh mau chóng sự kiện, thành thử mỗi hình ảnh hết sức tự nhiên, dễ hiểu.

Từ năm 2009, trong giới nhiếp ảnh Nhật Bản cũng xuất hiện một hiện tượng mà đến nay vẫn là độc đáo nhất. Đó là nghệ sỹ trẻ người Tokyo Haruhiko Kawaguchi với bộ ảnh Tình yêu tươi mới, đặc tả những cặp tình nhân ôm nhau trong những bao ni lông hút chân không, như một sản phẩm đông lạnh, tươi ròn. Một số mặc quần áo, một số để nuy song kín đáo. Với những gì dễ nhận về khuôn mặt, đây chính là một loại ảnh chân dung đặc biệt. Song vì những yếu tố gợi cảm nên cũng có người xếp nó vào ảnh nghệ thuật khỏa thân. Thật ra, ảnh của anh là những tác phẩm nói về sự gắn kết của tình yêu đối với con người. Nhờ tình yêu, nam nữ hấp dẫn nhau, càng gần sức hút càng cao và cuối cùng là keo dính hai người, cho họ có sự hòa thành một. Qua những màng bọc như một cái condom, chúng cũng nhấn mạnh đến vai trò của sự gìn giữ và bảo vệ trong tình yêu, đồng thời nhắc nhở trước những hiểm nguy, thử thách để có được một tình yêu bền vững. Ảnh khắc họa hơn 80 cặp đôi, gồm cả người đồng giới và nhiều nghề nghiệp khác nhau như nhạc sỹ, vũ công, thương gia, người lao động… Để chụp được hình, cả tác giả lẫn người mẫu đều phải nỗ lực rất nhiều. Từng cặp phải chui vào trong những cái bao ni lông lớn, vốn đựng chăn màn, nệm gối và nằm ở những tư thế ép thân vì kích thước của nó chỉ có 1,0 mét x 1,5 mét x 0,74 mét. Sau đó, nghệ sỹ sẽ dùng máy hút bụi để hút không khí ra ngoài, khiến người mẫu có rất ít ô xi để thở và bị ù tai bởi những tiếng động bên ngoài như thể trên sân bay. Anh phải rất nhanh tay để có thể chụp được nhiều ảnh mà người mẫu không bị ngột thở. Thời gian chỉ cho phép từ 10 đến 20 giây/ hình. Cùng bị “nhốt” ở trong bao song mỗi cặp biểu lộ ra những phong thái, cá tính và cảm xúc riêng, làm nên một bức tranh diễm lệ về tình yêu.

Nữ nghệ sỹ Yumiko Utsu lại là một tài năng xuất chúng về ảnh siêu thực, với những bức ảnh thực phẩm và con vật kỳ lạ được can chắp từ các bộ phận cơ thể. Đó thường là các loại rau quả, hải sản, chim thú, búp bê được nhân hóa, có thể sống dậy, nghịch ngợm. Ảnh hài hước, thậm chí kỳ cục, lấy cảm hứng từ truyện tranh manga cùng với phong cách Dadaist tự do của phương Tây, để nói về mối quan hệ giữa tự nhiên và con người, mà cụ thể ở đây là các nguyên liệu tươi sống với các món ăn quen thuộc. Bằng những thứ rất bình thường như cây nấm, quả dứa, con hàu, con mực…, song không thể hiện một cách đơn giản mà có sự cầu kỳ ngoa dụ,  chị đã đưa người xem tới một thế giới của trí tưởng tượng, đặc biệt là những gì cổ quái, khôi hài nhưng vẫn gần gũi với cuộc sống. Có thể nói đó là một trò chơi về nghệ thuật của nghệ sỹ, chị không chỉ làm cho các món ăn, con vật và đồ chơi đẹp hấp dẫn, mới lạ mà còn gửi vào đó những ý tưởng về một cuộc sống diệu kỳ, vui nhộn trong đó thiên thiên là một phần của chúng ta, và chúng ta cũng là một phần của thiên nhiên.

CHU MẠNH CƯỜNG

Theo Al Ostoura Magazine Hearty Magazine Daily Star Newspaper

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *