Công nghệ thực tế ảo đã trở nên khá quen thuộc với thế giới, nhưng ở Việt Nam vẫn còn rất mới mẻ, các bạn trẻ chưa có nhiều cơ hội để tiếp xúc cũng như làm quen. Vậy thực tế ảo tại Việt Nam đã và đang phát triển như thế nào? Góc nhìn của người trong ngành ra sao?
Với một buổi trò chuyện nhỏ cùng anh King Nguyễn – CTO và anh Thành Bùi – Art Director của Rolling Ant – một trong những công ty hàng đầu thế giới về thực tế ảo và 3D tương tác, iDesign mong muốn mang đến một góc nhìn mới từ những người trong cuộc đến với những ai đã và đang nhen nhóm trong mình niềm đam mê với thực tế ảo.
Thực tế ảo – Virtual Reality (VR) là một môi trường do con người giả lập được thiết kế thông qua các ứng dụng phần mềm chuyên dụng, hiển thị qua màn hình máy tính hoặc kính thực tế ảo. VR đem đến những trải nghiệm chân thật hơn, người xem cảm nhận như họ đang tồn tại trong chính không gian thực tế ảo đó.
Để thực hiện một dự án thực tế ảo, trong team cần có sự phối hợp của nhiều vị trí nhân sự bao gồm: producer, art director, kiến trúc sư, scene manager, lập trình, họa sĩ 3D…
Sau đó, quy trình tạo nên thực tế ảo bắt đầu từ việc dựng 3D, rồi đưa vào game engine (một phần mềm được viết để thiết kế và phát triển video game) trước khi được lập trình để tương tác, sau cùng là bước chỉnh sửa chất liệu, ánh sáng sao cho chân thực nhất. Mỗi công đoạn hay vị trí nhân sự đều quan trọng và đều đóng góp cho sự thành công chung của dự án. So với các dự án thông thường sự khác biệt là không đáng kể, cốt yếu vẫn là sự hợp tác chặt chẽ của mỗi vị trí với nhau. Tuy nhiên về mặt thẩm mỹ, VR vẫn có những hạn chế nhất định, đó cũng là cái khó của một art director các dự án thực tế ảo.
VR sẽ thay đổi đời sống của con người trong rất nhiều lĩnh vực, không chỉ về game và kiến trúc, mà còn trong marketing, bán hàng, giảng dạy,… Ví dụ trong bán hàng, đối với những sản phẩm tốn nhiều thời gian và chi phí sản xuất như xe hơi, người ta có thể ứng dụng thực tế ảo vào các showroom. Thay cho nhiều chiếc xe thật với mẫu mã khác nhau và giá thành cao, khách hàng hoàn toàn có thể tùy chọn màu sắc, hình dáng, nội thất chính xác như thực tế với VR. Trong giảng dạy, các sinh viên trường y có thể thực nghiệm trên VR thay cho các mẫu vật thật.
Ở riêng Việt Nam, phổ biến nhất vẫn là ứng dụng thực tế ảo vào bất động sản, xây dựng các tòa nhà, văn phòng mẫu. Lợi thế của VR là đem lại cho chủ đầu tư, kiến trúc sư góc nhìn trực quan, chi tiết hơn về hình ảnh trước và sau khi thi công của thiết kế, giúp khách hàng có trải nghiệm gần thực tế hơn, đưa ra quyết định nhanh hơn nhiều so với cách bán hàng truyền thống. Mặt khác, nó cũng giúp rút ngắn thời gian, công sức của đội ngũ marketing. Hiện nay đã và đang có rất nhiều chủ đầu tư áp dụng công nghệ này vì họ thấy được lợi ích mà nó đem lại.
Tuy nhiên, lý do chính khiến thực tế ảo chưa thực sự phổ biến là chi phí đắt đỏ và quá mới mẻ, nhiều công ty đã quen với việc mô tả sản phẩm đơn thuần bằng hình ảnh và video, chỉ những công ty lớn mới có nhu cầu cập nhật nhanh kỹ thuật và đủ điều kiện cũng như kinh phí thực hiện. Bên cạnh đó, một lý do khác ít ai nghĩ đến khi nói về khó khăn của VR. Đó chính là… khía cạnh con người.
nguồn Rolling Ant