Tính cách chăm chỉ cộng với dân số ngày càng già hoá là lý do khiến rất nhiều người Nhật Bản vẫn làm việc cặm cụi ngay cả khi đến tuổi “thất thập cổ lai hy”.
Ông Hiroshi Suzuki đã có sự nghiệp viên mãn, đi khắp thế giới với nghề kỹ sư. Ở tuổi 65, ông về hưu. Song giai đoạn này chẳng kéo dài lâu. Bảy năm qua, ông Suzuki, năm nay 72 tuổi, làm phụ tá điều dưỡng tại khu vực thủ đô Tokyo của Nhật Bản. Ông chia sẻ mình còn lâu mới về hưu.
Nhật Bản có tỷ lệ người cao tuổi làm việc cao nhất trong số các nước phát triển
Các nhà kinh tế cho biết nếu nước Nhật muốn giảm thực trạng thiếu hụt lao động ngày càng tệ hơn, họ cần rất nhiều người như ông Suzuki – những người không như số đông khi vẫn đi làm ở tuổi U70.
Dù Nhật Bản tự hào với dân số già nhất thế giới, họ vẫn gặp vấn đề trong chuyện tuyển dụng người cao niên còn sức khỏe. Lý do là vì chính sách doanh nghiệp, văn hóa làm việc và các quy tắc cứng nhắc không ủng hộ người lao động lớn tuổi. Vấn đề của Nhật là câu chuyện cảnh báo với những nền kinh tế đang lão hóa ở châu Âu và cả nước Mỹ.
“Người già trong độ tuổi 70 vẫn có thể làm việc. Hiện giờ, có nhiều việc bạn có thể làm, miễn là bạn khỏe mạnh. Không cần nghĩ đến chuyện về hưu cho đến khi bạn 80 tuổi”, người phụ tá điều dưỡng Suzukia ở nhà điều dưỡng do hãng Care 21 quản lý nói. Đây là một trong số ít doanh nghiệp Nhật Bản không đặt ra độ tuổi về hưu bắt buộc.
Ông Suzuki là cá nhân trong nhóm người từ 65 tuổi trở lên chiếm hơn 1/4 dân số Nhật. Với tuổi thọ cao nhất thế giới, đến năm 2050 phụ nữ Nhật trung bình sẽ sống qua 90 tuổi, và với tỷ lệ sinh thấp, số dân trong độ tuổi lao động Nhật Bản đang bị thu hẹp.
Thực tế nhân khẩu học Nhật Bản nghiêm trọng đến nỗi dù nước này có tỷ lệ người cao tuổi làm việc lớn nhất trong các quốc gia phát triển, theo Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD), yếu tố này không đủ để ngăn chặn sự thiếu hụt lao động. Số người lao động trên 65 tuổi lên mức 7,3 triệu người năm 2015, hay 21,7% số người trong độ tuổi này, theo số liệu từ Cục.
Thực trạng thiếu hụt lao động của quốc gia Đông Á cũng ngày càng tồi tệ. Số lao động được cho là sẽ giảm còn 56 triệu người vào năm 2030, từ mức 64 triệu người năm 2014. Dự báo này do Viện Chính sách và Đào tạo Lao động Nhật Bản công bố, giả định các điều kiện kinh tế và tỷ lệ tham gia vào lực lượng lao động không đổi.
Để tránh thiếu hụt lao động, nước Nhật cần áp dụng nhiều chính sách sáng tạo hơn để thu hút người cao tuổi vào lực lượng đi làm. Tuy nhiên, cơ cấu doanh nghiệp Nhật vẫn hạn chế sự phổ biến của các nhân viên lớn tuổi, dù nước này không có tuổi về hưu chính thức.
“Người Nhật khỏe mạnh, sống lâu và luật pháp, chính sách doanh nghiệp không bắt kịp trong việc tận dụng tuổi thọ cao của họ. 60 tuổi là vẫn còn rất, rất trẻ ở Nhật. Nếu muốn giải quyết vấn đề này, takhông thể chỉ giúp người lao động làm việc lâu hơn, ta phải suy tính lại cả hệ thống nhân sự của Nhật”- giáo sư trợ giảng Florian Kohlbacher tại Đại học Temple ở Tokyo cho hay.