Thơ Haiku – sự tinh tế của tâm hồn Nhật Bản

Thơ Haiku của Nhật Bản là một phần tài sản trong kho tàng văn hóa Á Đông vĩ đại và giàu sang. Chúng ta là người thừa tự nền văn hóa ấy nhưng còn chưa khai thác di sản của nó đúng mức như nó xứng đáng. Nhiều thành quả và tinh hoa của nó còn chờ đợi chúng ta.

Thơ Haiku dung hợp và kết tinh nhiều giá trị trong những dòng văn hóa thấm sâu của phương Đông từ Ấn Độ đến Nhật Bản. Vì vậy ta thấy trong thể thơ có dạng nhỏ nhắn ít lời này tinh thần Phật giáo, hơi thở Thiền mà ta vẫn bắt gặp trong thơ văn Lý Trần của ta. Ngoài ra, Haiku còn phảng phất hương sắc của nghệ thuật cắm hoa ikebana và không khí trà đạo chanoyu phát triển từ thế kỷ mười bốn với tinh thần căn bản là chân phương, hòa điệu và thanh tịnh. Haiku chừng như cũng dấu trong nó vẻ u huyền của kịch mặt nạ Noh.

*

Thơ Nhật truyền thống thường dựa trên các câu 5-7. Dựa theo nhịp căn bản này, xuất hiện hình thức thơ nối (ren-ga) cuối thời trung cổ. Lối làm thơ này giống như liên ngâm của ta. Người ta soạn renga khi ở thăm một ngôi đền, trong tiệc ngắm trăng, trong khi uống ượu sakê và cả lúc nghỉ ngơi, giữa hai cuộc chiến đấu.

Để làm thơ nối, thông thường có vài ba người tham dự. Họ luân phiên soạn các đoạn thơ. Cứ một đoạn ba câu, một đoạn hai câu. Đề tài do đoạn đi trước qui định, như mùa xuân hoặc mùa đông, như một cuộc hành trình, sự nghèo khó, tình yêu… Chẳng hạn như:

Giọt sương buồn phiền
Và cũng đau cho nỗi
Bông hoa ở lại sau mình
(Sôgi)

Trong sương mờ bóng tối
Tia nắng cuối lung linh
(Shôhaka)

Trong những renga này thì đoạn mở đầu là quan trọng nhất và được gọi là Hokku. Hokku dần dần trở nên độc lập, tạo thành một thể thơ riêng biệt, đổi tên là Haiku (Haiku).

Toàn bài Haiku chỉ có ba câu, bao gồm 17 âm tiết (5-7-5). Tiếng Nhật lại là tiếng đa âm nên cả bài chẳng có được mấy từ. Ví dụ như chim cu trong tiếng Nhật gọi là hototogisu đã chiếm mất năm âm tiết của bài, có thể riêng mình trở thành một câu thơ.

Hototogisu
Naki naki tobu zo
Isogawashi

Ôi cánh chim cu
Tưng bừng bay lượn và ca hát
Bận rộn siết bao!
(Bashô)

Và ngay cả trong hình thức độc lập này, tính chất nối kết giữa hai người dùng thơ để giao cảm vẫn còn. Có thể minh họa tính chất này qua câu chuyện về nhà thơ nữ nổi tiếng thế kỷ mười tám là Chiyô. Cô sống cô đơn trong những hồi tưởng về người chồng và đứa con đã mất nên một người bạn sánh cô với cây liễu quạnh hiu:

Không có hoa trên mình
Đời sao mà thầm lặng
Cây liễu xanh

Chiyô nhận bài thơ, chỉ thay đổi một hàng:

Không có hoa trên mình
Thân không còn hệ lụy
Cây liễu xanh

Tính chất ấy còn nói lên điều này: Haiku đòi hỏi người đọc phải đọc thơ như đang trò chuyện âm thầm với nhà thơ, như thể cùng nhà thơ sáng tạo tiếp tục. Tưởng đó là thái độ cần có khi đi vào thế giới rất tinh tế của Haiku. Với thái độ này, người đọc sẽ bớt bỡ ngỡ khi lần đầu tiếp xúc với Haiku, một trong những thể thơ nổi danh là ngắn gọn nhất thế giới.

*

Đặc điểm đầu tiên của Haiku là cô đọng. Thơ ca Á Đông nói chung là cô đọng. Hình thức ngắn gọn của Haiku, tanka, tứ tuyệt, ca dao Việt Nam… lại có một sức chứa rất đáng kể cho ý tình của con người. Đấy là những nắm tay nắm rất chặt nên có sức mạnh lớn lao. Haiku tiêu biểu cho phong cách cô đọng ấy, cho ý ở ngoài lời. Haiku bao giờ cũng biết cách để trống, nghĩa là tạo một khoảng chân không trong thơ. Khoảng chân không này có thể nói là rất cần thiết. Trong một bức tranh đơn sơ, làm sao vẽ được tiếng gió thổi? Thế mà người họa sĩ tài giỏi phải làm được điều đó. Họ chỉ vẽ có cành thôi nhưng ta nghe được tiếng gió thổi (năng họa nhất chi phong hữu thanh).

Đến đây xem! Để thấy
Chỉ còn một lá cô đơn
Trên cành kiri đấy
(Bashô)

Bashô, bậc thầy Haiku, không vẽ tiếng gió, nhưng người đọc cảm thấy hồi hộp và lo sợ cho chiếc lá cuối cùng ấy.

Căn cứ vào đặc điểm này, Tagor đưa ra nhận xét về Haiku rất chính xác: “Nhà thơ chỉ giới thiệu đề tài, rồi bước tránh sang bên”(1).

Ở đây, ta thấy nhà thơ Haiku (Haijin) rất tôn trọng người đọc. Trên con đường thơ, các Haijin nhường lối cho người đọc, không lấn chiếm không làm nghẽn đường. Người đọc đi cùng nhà thơ và vẫn còn đi tiếp khi nhà thơ dừng lại. Nhưng muốn thế, người đọc không có quyền thụ động. Nhà thơ không nói hộ ta tất cả. Cuộc nói chuyện hết lời cạn ý nào mà chẳng chán. Trò chuyện với thơ lại càng không thể để cho niềm chán ngán ấy nổi dậy.

Tagor còn giải thích thêm rằng: “Lý do khiến nhà thơ rút lui nhanh chóng thế vì người đọc Nhật có quyền năng tinh thần về tưởng tượng rất lớn”.(2)

Lời nhận xét của thi hào Ấn Độ ấy có thể làm nản lòng những người đọc không phải là Nhật Bản. Thực ra thì khả năng đó không phải là đặc quyền của người đọc Nhật. Bất kỳ ai yêu thơ đều có thể đọc Haiku, và sau một thời gian tìm hiểu đều có thể cảm nhận Haiku như đã cảm nhận nhiều thể thơ khác. Hơn nữa, thơ ca không chỉ nói riêng với dân tộc mình. “Người phát” là Nhật nhưng “người nhận” có thể là người thuộc bất kỳ dân tộc nào. Đã là thơ hay thì phải có quyền năng truyền đi tín hiệu của cái đẹp.

Theo Redsvn.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *