Cùng tìm hiểu những kiến thức tổng quan về Sampling

Sampling là gì? Sampling là phát sản phẩm mẫu theo cách hiểu đơn giản nhất. Đây được xem là một trong những cách “chuyển đổi mua hàng” hiệu quả trong tiếp thị. Giữa sự chững lại của rất nhiều hình thức tiếp thị truyền thống tại sao sampling vẫn có “ma lực” mạnh đến như vậy? Làm sao để khai thác tối đa lợi thế của sampling?

SAMPLING LÀ GÌ?

Sampling có thể hiểu đơn giản là phát sản phẩm mẫu. Đây được xem là một trong những cách “chuyển đổi mua hàng” hiệu quả trong tiếp thị. 

Sampling có hai loại: Dry (phát nguyên sản phẩm: dầu gội, nước hoa…) và Wet (sản phẩm đã chế biến, chia nhỏ và khách có thể dùng tại chỗ: ví dụ trà giải nhiệt, mì, bánh…) 

Đây cũng là một trong những hoạt động activation – kích hoạt thương hiệu được ưa chuộng nhất hiện này.

Nếu chia theo hình thức tiếp cận khách hàng thì có: 

Face to face: 

Hình thức này giúp tiếp cận được tệp khách hàng tiềm năng rất hiệu quả. Chẳng hạn như nếu muốn tiếp thị sản phẩm sữa em bé, tã lót thì các thương hiệu sẽ đến bệnh viện. Những mặt hàng về ăn uống, giặt giũ… thì siêu thị, chung cư, chợ sẽ là những nơi tối ưu. 

Door to door

Là hình thức sampling mà doanh nghiệp đi đến tận nơi khách hàng sinh sống. Hình thức này khá tốn kém và nhiều công sức, nhân viên cũng phải được đào tạo bài bản và trải qua các bài sát hạch. Hiện nay, hình thức này ít được các nhãn hàng lựa chọn do sự rủi ro cao trong quá trình “chào hàng”. 

ƯU ĐIỂM CỦA HÌNH THỨC QUẢNG CÁO SAMPLING 

Chính là một trong những hình thức quảng cáo hiếm hoi tiếp xúc trực tiếp với khách hàng, sampling đem đến lại nhiều ưu điểm vượt trội: 

  • Khách hàng thường có tâm lý muốn nhận quà miễn phí, chính vì vậy, sampling là hình thức tiếp cận dễ dàng, từ đó đưa sản phẩm, dịch vụ phủ rộng hơn. 
  • Sau khi khách hàng nhận được sản phẩm thử, thương hiệu có thể thu thập ý kiến, ưu và nhược điểm để cải thiện nhiều hơn. Giúp thương hiệu hoàn thiện được sản phẩm hơn khi đến người tiêu dùng. 
  • Nhờ đội ngũ PG trong lúc sampling, người tiêu dùng có thể được tư vấn kỹ càng hơn, họ được thuyết phục nhiều hơn nhờ những kiến thức mà PG được train. Nếu mục đích của sampling còn là bán hàng thì đội ngũ PG còn là đội sale rất hiệu quả. 
  • Nếu sampling được thực hiện dưới những hình thức độc đáo thì ấn tượng thương hiệu của khách hàng sẽ rất mạnh. 
  • Quảng cáo sampling cũng hạn chế sự cạnh tranh của đối thủ vì rất hiếm khi các thương hiệu cùng “hàng” thực hiện sampling trong cùng một địa điểm. Đây là ưu điểm lớn khi trên digital là hàng ngàn các bài post, banner được “giăng” trên cùng một không gian quảng cáo với hàng loạt các ưu đãi khác nhau. Sampling giúp khách hàng không bị phân tán và tập trung vào sản phẩm của bạn tốt hơn. 

NÊN LƯU Ý GÌ KHI LÀM SAMPLING?

Bạn có thể trả lời những câu hỏi sau trước khi thực hiện một chiến dịch sampling:

  • Lựa chọn địa điểm và thời gian như thế nào là phù hợp với đối tượng khách hàng mục tiêu? 
  • Có nên dùng thêm quảng cáo hay các hình thức khuyến mãi nào khác để tạo ra “cú hích” trước buổi phát sản phẩm ? 
  • Xác định kỹ mục tiêu của chiến dịch là gì: tăng độ nhận diện hay tăng tỉ lệ chuyển đổi? Điều này sẽ giúp bạn có các hướng tổ chức buổi sampling phù hợp với mục đích. 
  • Bạn theo dõi kết quả event bằng cách nào và từ đó rút ra bài học gì? 
  • Nếu không phát hết sampling, bạn sẽ có kế hoạch giải quyết như thế nào? 
  • Sau khi khách hàng dùng thử, bạn có cách kết nối nào thêm với khách hàng hay không? Vì sau khi kết nối, nếu bạn không biết cách “củng cố” thì kết nối có thể sẽ dễ biến mất. 

5 LƯU Ý KHI THỰC HIỆN SAMPLING

Số mẫu

Làm sampling thì KPI là số mẫu, càng nhiều, càng tốt. Số mẫu được gọi với nhiều thuật ngữ khác nhau như hit, reach, sample. Theo kinh nghiệm của một số chuyên gia làm sampling, số lượng phát đã tăng lên một cách chóng mặt. Vào năm 2007, từ 600 mẫu/1 ca (5 tiếng), trong vài năm trở lại đây đã tăng lên thành 1.500 mẫu. KPI là con số để đo số lượng sampling phát ra nhưng điều quan trọng hơn không phải có bao nhiêu mẫu được phát ra mà là có bao nhiêu khách hàng sẵn sàng trở thành khách hàng tiềm năng của bạn. 

Đối tượng phát

Việc “phát đúng target” sẽ dựa vào việc chọn đúng kênh đặc thù. Ví dụ sản phẩm cho học sinh cấp nào thì vào cấp đó phát, mì gói, nước mắm thì phải đến chợ. Nếu phát ở những nơi công cộng: công viên, trung tâm thương mại… thì tỷ lệ “lẫn” đối tượng khác khoảng 30%. Rất khó để hạn chế con số này nên nhiều nhãn hàng “thà đánh nhầm còn hơn bỏ sót”. 

Xử lý khủng hoảng truyền thông

Nên có kế hoạch xử lý khủng hoảng truyền thông nếu trong quá trình phát có xảy ra một số vấn đề, chẳng hạn như ngộ độc thực phẩm. Để hạn chế tình trạng này, nhãn hàng nên đảm bảo tất cả các sản phẩm sampling đều là mới, chất lượng an toàn. 

Quản lý số lượng sampling

Đảm bảo rằng bạn không để bị mất và hụt sampling. Tình trạng này rất dễ diễn ra vì sampling thường thực hiện nhiều ngày, nhiều nơi, nhiều công đoạn và qua nhiều người. Mỗi ngày mất đi một ít, chương trình diễn ra chừng 1 tháng là ngốn cả một khoảng lớn chứ không đùa. Hãy đối chiếu nghiêm túc và thường xuyên để kiểm tra, đừng để tới phút cuối mới “nhảy dựng” lên đi tìm. 

Cách sampling hiệu quả

Dân mình thường có suy nghĩ vầy, ăn no rồi đến ăn ngon, mặc ấm rồi đến mặc đẹp và sampling từ miễn phí đến “miễn phí và vui”. Họ muốn các nhãn hàng phải tạo ra một trò chơi hấp dẫn, có một ít thử thách thì mới chịu dừng lại. Vì thực ra, mức sống được nâng cao đã làm cho việc sampling trở thành một phần “có cũng được không có cũng được”. Trừ những sampling cực kỳ hữu dụng và giá trị thì mới có khả năng giữ chân họ. 

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *