Người Hướng Nội “Sống Sót” trong ngành quảng cáo, PR thế nào?

Người hướng nội (introvert) làm việc hiệu quả nhất khi ở một mình, theo đuổi những suy nghĩ của riêng họ. Vậy trong một ngành đòi hỏi sự quảng giao với những cuộc gặp gỡ triền miên như PR, liệu người hướng nội có cơ hội nào để tồn tại và phát triển?

NHỮNG BẤT LỢI

Nếu bạn trầm tính, không thích nói nhiều, không quen đến những nơi đông người nhưng lại theo đuổi nghề quan hệ công chúng, bạn sẽ phải đối mặt với những khó khăn gì?

Định kiến xã hội

Trong một xã hội đầy sự kết nối, ưa thích sự năng động, những người hướng nội thường bị đẩy ra bên lề. Thậm chí còn có những lời khuyên cho rằng bạn phải thay đổi, phải trở nên hướng ngoại hơn để thích nghi với cuộc sống.

Càng ngày chúng ta càng quan tâm hơn đến việc phân loại tính cách con người. Những cụm từ hướng ngoại hay hướng nội đã không còn xa lạ với bất cứ ai. Thậm chí những bạn nhỏ mẫu giáo, tiểu học cũng đã được nhận xét là “hoạt bát, năng động, thích xã giao” hay “hiền, nhút nhát, ít nói”. Những nhận xét đó không mang tính đánh giá ai tốt hơn ai. Nhưng thường thì “hiền, ít nói” sẽ không được nghĩ đến khi người ta tìm kiếm ai đó cho vị trí lãnh đạo.

“Người hướng nội nhút nhát, thụ động và thua cuộc” là những định kiến sai lầm, khiến người ta cho rằng hướng nội là một nhược điểm. Do đó, người hướng nội gặp khó khăn khi tìm kiếm việc làm trong không ít ngành nghề.

Định kiến về nghề

PRWeek đã thực hiện một cuộc khảo sát 30 người dưới 30 tuổi về các vấn đề quan trọng đối với lĩnh vực PR. Hầu hết họ đồng ý rằng PR mang lại nhiều cơ hội tốt để phát triển sự nghiệp. Nhưng cũng có ý kiến cho rằng PR “có xu hướng ưu ái người hướng ngoại và đánh giá thấp người hướng nội, đó là điều chúng ta cần chủ động thay đổi”.

Được nhìn thấy, được lắng nghe, được biết đến và xây dựng những mối quan hệ quan trọng là những gì mà PR nhắm đến. Không khó hiểu khi những người hướng ngoại bước vào PR thì như cá gặp nước và dễ dàng tỏa sáng. Họ cũng có nhiều cơ hội lọt vào “mắt xanh” của các công ty PR khi tìm kiếm việc làm. Đồng nghĩa với việc người hướng nội sẽ ít nhiều bị bất lợi hơn.

Phải bước ra khỏi vùng thoải mái của bản thân

Nếu bạn làm PR mà có tính tình trầm lặng, bạn sẽ nghe đến quen tai những lời khuyên như hãy nói nhiều hơn, nói to hơn, đóng góp ý kiến thường xuyên hơn, chịu khó gọi điện thoại hơn… Mà rất ít ai khuyên người hướng ngoại nên nói ít đi.

Bạn sẽ buộc phải thay đổi bản thân, phải bước ra khỏi vùng dễ chịu của mình để tham dự những sự kiện và xây dựng những kết nối.

Nếu như năng lượng của người hướng ngoại đến từ việc gặp gỡ mọi người, thì người hướng nội lấy năng lượng từ bên trong, từ những phút giây được ở một mình. Làm trong ngành này, sẽ có những khi bạn thấy năng lượng của mình bị rút cạn, áp lực và chán nản là không thể tránh khỏi.

Tuy nhiên, nói như vậy không có nghĩa là người hướng nội nên bị đẩy ra khỏi ngành. Nhiều chuyên gia và người trong nghề đã và đang kêu gọi mọi người, đặc biệt là các công ty PR thay đổi cách nhìn và trân trọng khả năng của những người hướng nội.

LỢI THẾ CỦA NGƯỜI HƯỚNG NỘI TRONG NGÀNH

Cô Dushka Zapata, phó giám đốc điều hành tại Ogilvy Public Relations, đã mạnh dạn tuyên bố mình là một người hướng nội. Cô cũng cho biết nhiều chuyên viên PR khác tâm sự rằng họ cũng là người hướng nội, nhưng không muốn thừa nhận một cách công khai vì sợ bị đánh giá không đúng.

Người hướng nội cũng có những ưu điểm riêng để làm tốt trong lĩnh vực PR. Rất nhiều người đã tiến xa trong công việc mà không cần gồng mình che giấu tính cách thật của bản thân.

Là những người lắng nghe tuyệt vời

Truyền thông không đơn giản chỉ là nói giỏi. Truyền thông rộng và phức tạp hơn nhiều. Nó còn bao gồm lắng nghe, hồi đáp, viết lách, thấu hiểu, đồng cảm,… Bạn không cần là người nói to nhất trong một cuộc họp, nếu những điều bạn nói không mang nhiều ý nghĩa. Mọi người sẽ không tương tác nếu như họ cảm thấy không được lắng nghe.

Thay vì dành hầu hết thời gian để nói, người hướng nội ngồi đó và lắng nghe, chú ý đến cả ngôn ngữ hình thể để hiểu những thứ thậm chí không được nói ra.

Xây dựng những mối quan hệ chất lượng hơn số lượng

Người hướng nội không cố bắt chuyện với tất cả những người mà họ gặp, hay dành những buổi cà phê, ăn trưa để gặp gỡ nhiều người mới. Bằng cách quan sát, lắng nghe và đánh giá, họ sẽ thấy được những cơ hội có thể xuất hiện từ mối quan hệ đó, và chỉ xây dựng với đúng người cần phải xây dựng.

Họ dành nhiều thời gian để suy nghĩ về những gì cần nói với đối phương. Thay vì cố tạo thật nhiều những cuộc gặp gỡ, họ chọn xây dựng những mối quan hệ lâu dài, có chiều sâu và đôi bên cùng có lợi.

Khả năng phân tích và xử lý vấn đề

Khảo sát và nghiên cứu thị trường, phân tích và chắt lọc những thông tin quan trọng, đưa ra chiến lược truyền thông là một trong những đầu việc của chuyên viên PR. Người hướng nội có khả năng ngồi im lặng, tập trung trong nhiều giờ để làm việc với đống tài liệu khổng lồ.

Họ cũng đặc biệt cẩn thận và chu đáo. Họ luôn có những kịch bản dự phòng cho mọi tình huống, xử lý gọn gàng, nhanh chóng nếu có vấn đề xảy ra, không gặp khó khăn cho dù phải giải quyết một mình.

Khả năng làm việc độc lập và làm việc nhóm

Nhiều nhân sự cấp cao bày tỏ sự thất vọng khi ứng viên giới thiệu mình có khả năng làm việc độc lập. Theo cô Dushka Zapata, thật nguy hiểm khi các manager cho rằng làm việc độc lập tốt thì làm việc nhóm không tốt.

Người làm việc độc lập cần có thời gian riêng để suy nghĩ ý tưởng trước khi đi vào một buổi brainstorm với cả team, trái ngược với những người động não tốt hơn khi làm việc chung với người khác. Không ai tốt hơn ai, đó đơn giản chỉ là những phong cách khác nhau mà thôi.

Các agency tốt nhất thường bố trí các team bao gồm cả người hướng nội và hướng ngoại để tạo nên sự đa dạng, dùng thế mạnh của người này để bù đắp cho thiếu sót của người khác.

Người lãnh đạo sẽ không đánh giá đúng năng lực của từng nhân viên nếu họ cố che giấu tính cách của mình, đeo một chiếc mặt nạ hướng ngoại vì tin rằng người làm PR giỏi phải thế. Hãy hiểu rằng PR không phải là nghề chỉ dành cho người hướng ngoại, nó dành cho tất cả mọi tính cách.

Như vậy, người hướng nội có làm công việc liên quan đến ngành quảng cáo được không? Câu trả lời là hoàn toàn CÓ THỂ.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *