Mãn nhãn với các show diễn thực cảnh của đạo diễn Trương Nghệ Mưu

Không chỉ phong cảnh, con người, ẩm thực, mà văn hóa cũng là một yếu tố then chốt để thu hút khách du lịch đến với một địa phương, một quốc gia, thậm chí trở thành giá trị cốt lõi ở một số điểm du lịch nổi tiếng trên thế giới. Nói về việc xây dựng các chương trình nghệ thuật, đặc biệt là show diễn thực cảnh để quảng bá du lịch, văn hóa địa phương, không thể không nhắc đến chuỗi show diễn “Ấn tượng” nổi tiếng của đạo diễn Trương Nghệ Mưu ở Trung Quốc: Ấn tượng chị Ba Lưu(2004) được dàn dựng ở Quế Lâm, tỉnh Quảng Tây; Ấn tượng Lệ Giang(2006) ở thị trấn cổ Lệ Giang, tỉnh Vân Nam và Ấn tượng Tây Hồ (2007) ở Hàng Châu, tỉnh Chiết Giang.

Mỗi show diễn đều là kết quả của quá trình nghiên cứu dài lâu về văn hóa, con người, phong cảnh, câu chuyện huyền thoại và đặc biệt là tinh thần của người dân địa phương. Tất cả tinh hoa của nơi đó được thể hiện xuyên suốt trong âm nhạc, nghệ thuật trình diễn, thiết kế sân khấu đặc biệt. Mỗi show diễn là cả một chương trình nghệ thuật đặc sắc, giúp người xem thẩm thấu, cảm nhận sâu đậm hơn về nơi mình đang đến. Chính vì thế, dù diễn ra đều đặn mỗi ngày, các show diễn này vẫn không hết độ “hot”, vẫn thu hút hàng chục triệu khách du lịch nội địa và quốc tế hàng năm.
Ấn tượng Lệ Giang


Sân khấu dựng cố định ngoài trời, lấy khung cảnh núi Ngọc Long huyền thoại là phông nền, sân khấu sơn đỏ, nổi bật trên nền trời xanh thẳm khiến người xem cảm nhận được sự hùng vĩ của thiên nhiên, đất trời nơi đây. Toàn bộ 500 diễn viên đều là người các dân tộc sống xung quanh núi Ngọc Long, trang phục biểu diễn chính là trang phục truyền thống của các dân tộc thiểu số vùng Vân Nam được thiết kế cách điệu. Điều đặc biệt nhất là màn biểu diễn không hề dùng micro, diễn viên cất cao giọng hát vừa mộc mạc lại vừa trong trẻo, vút lên trong không gian, đất trời Lệ Giang.
Ấn tượng Tây Hồ


Điều đặc biệt nhất trong Ấn tượng Tây Hồ là sân khấu nửa chìm nửa nổi ngay trên mặt Tây Hồ, giữa khung cảnh trời đất bao la, diễn viên như đang đi trên mặt nước gợn sóng hư ảo. Nội dung hấp dẫn lấy từ câu chuyện thần thoại giữa Bạch Tố Trân và Hứa Tiên kết hợp cùng âm thanh, ánh sáng và dàn diễn viên điệu nghệ khiến show diễn như hút hồn khách tham quan.
Ấn tượng chị Ba Lưu


Giống như Ấn tượng Tây Hồ, chương trình Ấn tượng chị Ba Lưu cũng được thực hiện trên sông Li ở Quế Lâm bởi những người dân tộc thiểu số ở Zhuang. Dựa theo truyền thuyết của chị Ba Lưu, người con gái dân tộc Zhuang có khả năng ca hát tuyệt vời và câu chuyện kể về hành trình vượt qua nhiều trở ngại trong tình yêu của cô. Vẫn là những màn biểu diễn tuyệt vời của các diễn viên hòa quyện cùng màu sắc, âm thanh, trang phục để mang lại một show diễn đáng nhớ cho người xem.
Ngoài ra đạo diễn Trương Nghệ Mưu cũng dàn dựng rất nhiều show diễn thực cảnh về văn hóa cực kỳ thu hút khách như Ấn tượng đảo Hải Nam (Trung Quốc), Ấn tượng Melaka (Malaysia), Nụ cười Angkor (Campuchia),…Mỗi show diễn đều mang những nét đặc sắc riêng với trang phục, câu chuyện, nét văn hóa đặc trưng của mỗi vùng miền và đều trở thành một điểm nhấn thu hút khách du lịch tại mỗi địa phương.

Fandee tổng hợp

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *