Phố Cổ Hội An – Vẻ Đẹp Thời Gian Ngưng Đọng

Hội An – nơi mà cuộc sống cứ bình lặng như thế. Hội An – nơi mà dường như dòng chảy vô tình của thời gian chẳng thể nào vùi lấp đi cái không khí cổ xưa. Những mái ngói cũ phủ đầy rêu phong, những con đường ngập trong sắc đỏ của đèn lồng, những bức hoành phi được chạm trổ tinh vi, tất cả như đưa ta về với một thế giới của vài trăm năm trước. Đó mới chỉ là một phần dung dị ở khu phố cổ Hội An nhưng cũng đã đủ khiến người ta phải đắm say, đi quên lối.
Khu phố cổ Hội An là một đô thị cổ nằm ở hạ lưu sông Thu Bồn, thuộc vùng đồng bằng ven biển tỉnh Quảng Nam, cách thành phố Đà Nẵng khoảng chừng 30km về phía Nam.

Khu phố cổ Hội An gói gọn trong phường Minh An với diện tích chỉ tầm 2km2 với một địa thế thật đặc biệt theo kiểu bàn cờ mà đặc trưng ở đó là những con đường ngắn và hẹp, chạy uốn lượn, ngang dọc, khiến người ta rẽ lối nào rồi cũng dễ dàng gặp được nhau.

Theo thống kê Hội An có 1360 di tích bao gồm 1068 nhà cổ, 11 giếng nước cổ, 38 nhà thờ tộc, 19 ngôi chùa, 43 miếu thờ thần, 23 đình, 44 mộ cổ loại đặc biệt và một cây cầu. Mặc cho không gian và thời gian cứ chuyển dời, đô thị cổ Hội An vẫn giữ nguyên được những nét đẹp cổ xưa nhất. Đó như một nơi chốn mà người ta có thể tìm thấy một quần thể di tích được gìn giữ hầu như nguyên vẹn khiến Hội An trở thành một địa danh độc nhất vô nhị trong biên niên sử thời hiện đại.

Tới Hội An ngày nay, ta cứ ngỡ như là mình đang quay ngược dòng thời gian, lạc bước trong không khí truyền thống của một thương cảng sầm uất thời nhà Nguyễn. Tới Hội An ngày nay là có thể rời xa mọi cám dỗ của đời thường để sống trọn vẹn trong từng giây phút.

GHÉ HỘI AN, THĂM NHỮNG NGÔI CHÙA CÓ NIÊN ĐẠI HÀNG TRĂM NĂM TUỔI

Những ngôi chùa được xây dựng từ giữa thế kỷ XVII đến giữa thế kỷ XVIII là một trong những điểm đến hấp dẫn ở phố cổ Hội An. Đó là Chùa Bà, Chùa Ông, Chùa Chúc Thánh, Chùa Phước Lâm, Chùa Vạn Đức, Chùa Hải Tạng.

Hầu hết những ngôi chùa ở Hội An được xây dựng để thờ cúng các vị tiên hiền, những người có công sáng lập phố, hội và Minh Hương xã. Do đó, người ta thường thấy một kiểu kiến trúc đặc trưng với các tường gạch chịu lửa, các mái ngói âm dương và vị trí đặt bệ thờ ở gian chính giữa.Tất cả những yếu tố đó được thể hiện rõ nét nhất ở Chùa Ông hay còn gọi là Miếu Quan Công, ngôi miếu nằm ở góc đường Trần Phú giao với đường Nguyễn Huệ, nơi được xem là di tích mang đặc trưng cho kiểu kiến trúc đền miếu của người Minh Hương ở Hội An.
Miếu Quan Công còn được xem là trung tâm tín ngưỡng của các thương gia Hội An và chính cũng vì lẽ đó, cho tới ngày nay, vào mỗi dịp 13 tháng 1 và 24 tháng 6 âm lịch hàng năm, lễ hội Chùa Ông lại được tổ chức thu hút rất nhiều du khách về tụ họp.

Nhưng điều khiến người ta ấn tượng nhất phải kể tới Chùa Cầu, ngôi chùa nổi danh với kiểu kiến trúc lạ mắt tạo thành một biểu tượng của chùa miếu Hội An. Chùa Cầu còn được gọi là chùa Nhật Bản, được xây dựng theo kiểu Nhật nhưng sau nhiều lần trùng tu, người ta nhận thấy nó ngày càng mang đậm nét văn hóa Việt – Trung.
Chùa Cầu dài khoảng 18m, có mái che, được làm bằng gỗ có sơn son chạm trổ rất công phu, cong cong vắt qua lạch nước chạy ra sông Thu Bồn, nối liền đường Trần Phú và đường Nguyễn Thị Minh Khai. Chùa không có tượng Phật mà gian chính có thờ một tượng gỗ Bắc Đế Trấn Võ như thể hiện khát vọng về hạnh phúc, niềm vui của con người của những người dân đất cổ Hội An.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *